Quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo tại Quảng Bình
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:33, 09/08/2018
Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:
UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, trách nhiệm của Sở Tài nguyên & Môi trường và các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện ven biển trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển được quy định một cách cụ thể, rõ ràng.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: Tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc nghiên cứu, điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, hải đảo và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo trên phạm vi của tỉnh; Cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường số liệu quan trắc, giám sát môi trường biển và hải đảo của tỉnh.
Đồng thời, Sở có trách nhiệm xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương liên quan thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm, ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại và các sự cố môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Định kỳ hàng năm tổng hợp, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm và ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại và các sự cố môi trường biển; việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển và hải đảo, ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện ven biển có trách nhiệm: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, hải đảo và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh;
Đồng thời, tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc, các sự cố môi trường, thiên tai trên biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý; Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường huy động các nguồn lực để ngăn chặn, ứng phó các sự cố tràn dầu, hóa chất độc và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý; giải quyết việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật;
Bên cạnh đó, các cơ quan trên phải báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo, ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong phạm vi quản lý và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.