Hướng dẫn tính thuế tài nguyên với đá làm vật liệu xây dựng

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 14/11/2017

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Hải công tác tại Công ty CP Khai thác đá Hưng Thịnh, đề nghị cơ quan chức năng...

 

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Hải công tác tại Công ty CP Khai thác đá Hưng Thịnh, đề nghị cơ quan chức năng giải đáp cách xác định sản lượng và giá tính thuế tài nguyên đối với đá khai thác để sản xuất vật liệu xây dựng thông thường.

Tháng 9/2016, Công ty của ông Hải thu được 5.790m3 đá xô bồ, Công ty đã bán 600m3 đá xô bồ cho khách hàng, 2.850m3 tồn kho lưu bãi, 2.340m3 đá xô bồ đưa qua công đoạn chế biến (đập, nghiền côn, sàng...). Ngoài ra đơn vị còn mua của đối tác khác 700m3 đá (4x6), nguyên liệu cũng đưa vào công đoạn chế biến tạo ra các thành phẩm đá có kích cỡ khác nhau và bán cho khách hàng.

Ông Nguyễn Thế Hải đề nghị giải đáp, đá (1x2), (2x4), (4x6) thu được từ hoạt động chế biến đá sau khai thác (đập, côn nghiền, sàng...) không còn ở thể tự nhiên thì có được xem là đối tượng chịu thuế tài nguyên không? Phải xác định sản lượng tài nguyên và giá tính thuế tài nguyên như thế nào?

Ông Hải cũng đề nghị hướng dẫn cách quy ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ theo Khoản 1, Điều 5 Thông tư 152/2015/TT-BTC.

Ngoài ra, ông muốn biết, sản phẩm tài nguyên là đá sau nổ mìn đã khai thác, không còn ở trạng thái tự nhiên nhưng chưa qua đập, nghiền, sàng, phân loại hoặc các hoạt động khác để nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác, hiểu như vậy có đúng không? Hiện nay các loại đá như (1x2), (2x4), (4x6), đá bay là những thành phẩm sau chế biến mới bán ra được, không ai sản xuất đá (1x2), (2 x4)... phân loại thu được sau nổ mìn.

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính trả lời như sau:

Căn cứ xác định sản lượng tài nguyên để tính thuế

Điều 5 Luật Thuế tài nguyên quy định:

“1. Đối với tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

2. Đối với tài nguyên khai thác chưa xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của từng chất thu được sau khi sàng tuyển, phân loại.

3. Đối với tài nguyên khai thác không bán mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm...”.

Khoản 1, Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 2/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên như sau:

“1. Đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

Trường hợp tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo sản lượng từng loại tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A khai thác đá sau nổ mìn, khai thác thu được đá hộc, đá dăm các ly khác nhau thì được phân loại theo từng cấp độ, chất lượng từng loại đá thu được để xác định sản lượng đá tính thuế của mọi loại.

Trường hợp, doanh nghiệp A có bán một phần sản lượng đá hộc, số đá hộc, đá dăm còn lại được đưa vào đập, nghiền thành các loại đá dăm có các cỡ (ly) khác nhau thì sản lượng tính thuế được xác định bằng cách quy từ sản lượng đá các cỡ (ly) ra sản lượng đá có sản lượng bán ra lớn nhất để xác định sản lượng đá thực tế khai thác để tính thuế tài nguyên. Doanh nghiệp A thực hiện khai, nộp thuế đối với sản lượng đá khai thác theo giá bán tương ứng…

3. Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định như sau:

Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên khai thác được xác định bằng cách quy đổi từ sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ để bán ra theo định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. Định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm do người nộp thuế kê khai căn cứ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn công nghệ thiết kế để sản xuất sản phẩm đang ứng dụng, trong đó:

- Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm tài nguyên thì căn cứ định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm tài nguyên sản xuất bán ra.

- Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm công nghiệp thì căn cứ định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm công nghiệp sản xuất bán ra.

Việc xác định sản phầm bán ra sau quá trình chế biến là sản phẩm công nghiệp hay không phải sản phẩm công nghiệp do Bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành thực hiện theo thẩm quyền.

Ví dụ 5: Doanh nghiệp A khai thác đá có sử dụng một phần đá để nghiền đưa vào sản xuất xi măng bán ra. Sản lượng tài nguyên tính thuế là đá được xác định như sau: Nếu không xác định được sản luợng đá khai thác đưa vào sản xuất xi măng thì quy đổi từ sản lượng xi măng sản xuất ra sản lượng đá khai thác; trường hợp này, doanh nghiệp A tự xác định căn cứ định mức, quy trình kỹ thuật của mình…”.

Căn cứ quy định, hướng dẫn nêu trên, sản lượng tài nguyên tính thuế tài nguyên được xác định theo sản lượng của từng loại đá khai thác có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau trong kỳ tính thuế và được xác định theo sản lượng từng loại tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy đổi ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất.

Giá tính thuế

Khoản 1, Điều 6 Luật Thuế tài nguyên quy định: “1. Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế GTGT”.

Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chỉnh phủ), quy định:

"4. UBND cấp tỉnh quy định cụ thể giá tính thuế tài nguyên khai thác quy định tại Khoản 2, Điếm b, Khoản 3 Điều này...

Căn cứ giá tính thuế tài nguyên đã xác định để áp dụng sản lượng tính thuế đối với đơn vị tài nguyên tương ứng. Giá tính thuế đối với tài nguyên khai thác được xác định ở khâu nào thì sản lượng tính thuế tài nguyên áp dụng tại khâu đó”.

Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“Điều 6. Giá tính thuế tài nguyên

Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế GTGT nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; trường hợp giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định...

1. Đối với loại tài nguyên xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên: Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên có cùng phẩm cấp, chất lượng chưa bao gồm thuế GTGT và được áp dụng cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng; giá bán của một đơn vị tài nguyên được tính bằng tổng doanh thu (chưa có thuế GTGT) của loại tài nguyên bán ra chia cho tổng sản lượng tài nguyên tương ứng bán ra trong tháng…”.

Căn cứ quy định, hướng dẫn nêu trên, cơ sở sản xuất kinh doanh khai thác đá thu được đá xô bồ để sản xuất vật liệu xây dựng, một phần được bán ra ngay sau khi khai thác, phần còn lại được đưa vào xay nghiền thành đá các ly (vật liệu xây dựng thông thường) mới bán ra thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị của đá xô bồ (nếu thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định).

Giá bán đơn vị đá xô bồ được tính bằng tổng doanh thu bán đá xô bồ (chưa có thuế GTGT) bán ra chia cho tổng sản lượng đá xô bồ tương ứng bán ra trong tháng.

Theo Chinhphu.vn