Nguyện vọng được bồi thường bằng đất khi bị thu hồi

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 22/11/2017

(TN&MT) – Ông Nguyễn Khánh Dũng ở Cầm Giàng, Hải Dương hỏi: hiện gia đình tôi đang thuộc diện bị thu hồi đất để làm đường giao thông. Khi bị thu hồi, tôi không muốn nhận tiền mà muốn được bồi thường bằng diện tích đất khác thuộc trục đường khác tại địa phương có được không? Vị trí đất tôi muốn được bồi thường nằm trong diện đất phát triển hạ tầng.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời

Câu hỏi của ông Nguyễn Khánh Dũng báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Hiện, Luật Đất đai 2013 có quy định cụ thể về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đó: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.

Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, về nguyên tắc, nguyện vọng được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng của gia đình ông là hoàn toàn chính đáng và phù hợp. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp và điều kiện cụ thể, ban bồi thường sẽ có quyết định cuối cùng.

Tại Khoản 2, Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định về lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:

“ Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì việc bồi thường và hỗ trợ tái định cư khi có thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sẽ được tổ chức lấy ý kiến của người dân trong khu vực có đất thu hồi. Vậy nên ông có quyền nêu ý kiến, nguyện vọng của mình trong buổi họp lấy ý kiến này, tổ chức có trách nhiệm bồi thường sẽ xem xét tất cả các ý kiến đóng góp và đưa ra quyết định cuối cùng.

Báo TN&MT