Lâm trường được khai thác, thu hồi đất rừng đã giao khoán?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 14/04/2017

Năm 1992, gia đình ông Chu Văn Được và các hộ dân xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn nhận giao khoán trồng rừng phòng hộ đầu nguồn 327 và 661 từ Lâm...

 

Năm 1992, gia đình ông Chu Văn Được và các hộ dân xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn nhận giao khoán trồng rừng phòng hộ đầu nguồn 327 và 661 từ Lâm trường Lộc Bình. Tuy nhiên, năm 2010, Lâm trường chuyển đổi hợp đồng của các hộ dân sang rừng sản xuất và vừa qua thông báo sẽ tiến hành khai thác gỗ và thu hồi lại đất của người dân.

Ông Được cho biết, khi người dân nhận giao khoán trồng rừng, Lâm trường chỉ cung cấp hạt giống cây trồng để người dân tự ươm rồi mang đi trồng theo các diện tích được giao khoán, kinh phí chăm sóc, bảo vệ,.. người dân không được nhận đầy đủ như trong hợp đồng. Người dân đã bảo vệ, chăm sóc rừng trong 24 năm.

Nay, ông Được đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải đáp, việc làm trên của Lâm trường Lộc Bình có đúng quy định không?

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Về vấn đề này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Lộc Bình trả lời như sau:

Lâm trường Lộc Bình (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình) được thành lập từ năm 1962, có nhiệm vụ trồng cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện Lộc Bình. Quyết định số 1264 QĐ/UB-KT ngày 10/10/1997 của UBND tỉnh Lạng Sơn giao 6.956,6 ha đất cho Lâm trường Lộc Bình để sản xuất kinh doanh - trồng rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Kỳ Cùng tại địa bàn 15 xã, thị trấn thuộc huyện Lộc Bình. Toàn bộ diện tích đất giao theo Quyết định số 1264 QĐ/UB-KT nêu trên đã được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quyết định số 819/1998/QĐ/UB-XD ngày 24/6/1998.

Việc giao khoán trồng rừng cho các hộ dân

Thực hiện Chỉ thị số 327-CT ngày 15/9/1992 của Chính phủ (Dự án 327) và Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661), từ năm 1991 đến năm 1999, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình được giao làm đại diện Chủ đầu tư ký kết hợp đồng giao khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng với nhân dân một số xã trên địa bàn huyện, trong đó có các hộ dân xã Lợi Bác, Sàn Viên ký hợp đồng trồng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Kỳ Cùng.

Theo nội dung hợp đồng, đối với Lâm trường có trách nhiệm: "Trên cơ sở diện tích đất thiết kế giao cho từng chủ hộ, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây con, giám sát tiến độ thi công, nghiệm thu đánh giá chất lượng của từng bước công việc...".

Các hộ gia đình có trách nhiệm: "Căn cứ diện tích được giao phải thi công hết diện tích và tuân thủ quy trình kỹ thuật Lâm trường hướng dẫn, bảo đảm mật độ và các loại cây quy định tiến độ thi công, chăm sóc và bảo vệ số cây đã trông...; Tiền công trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng cho các hộ được tính từ giai đoạn trông cây bao gồm: Xử lý thực bì, cuốc hố, lấp hố, trồng cây, dặm cây, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng năm thứ 1, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tiến độ thi công cũng như chất lượng được Ban nghiệm thu chấp nhận, Lâm trường thanh toán cho chủ hộ là 380.000 đồng/ha và 30 kg phân Lân hay NPK".

Kinh phí chi trả cho các hộ gia đình ký và thực hiện Hợp đồng giao khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ từng đã được Công ty thanh toán đầy đủ theo quy định.

Kết quả kiểm tra hồ sơ giao, nhận khoán lưu tại Công ty cho thấy: Năm 1992, Lâm trường Lộc Bình không thực hiện Dự án phòng hộ đầu nguồn. Các năm 1991, 1993, 1994 không thấy Hợp đồng nào có tên Chu Văn Được nhận khoán trồng rừng với Lâm trường Lộc Bình.

Tại thanh lý hợp đồng ghi: Nay Lâm trường thanh toán cho chủ hộ như sau: "Cây con Lâm trường cung ứng, tiền nhân công, vật tư lâm trường cung ứng" (Hợp đồng số 12/KH ngày 1/4/1991 và phiếu thanh toán số 40/KH giữa Lâm trường Lộc Bình và ông Chu Văn Bộ, địa chỉ thôn Nà U, xã Lợi Bác). Do vậy, việc ông Chu Văn Được cho rằng năm 1992, người dân nhận giao khoán trồng rừng phòng hộ đầu nguồn 327 và 661 với Lâm trường Lộc Bình, Lâm trường chỉ cung cấp hạt giống cây trồng để người dân tự ươm rồi mang đi trồng theo các diện tích được giao khoán, kinh phí chăm sóc, bảo vệ,.. người dân không được nhận đầy đủ như trong hợp đồng là không đúng.

Công ty không tự ý chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất

Căn cứ Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 5/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch 3 loại rừng, Quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định về tiêu chí phân cấp rừng phòng hộ, căn cứ kết quả điều tra, khảo sát thực tế của các cơ quan chuyên môn (Chi Cục phát triển Lâm nghiệp là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh), UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1822/QĐ-UBND ngày 8/10/2007 phê duyệt dự án rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, một số diện tích rừng và đất rừng phòng hộ ít xung yếu tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lộc Bình được điều chỉnh sang rừng sản xuất, trong đó có cả diện tích rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình đã giao khoán thuê trồng và chăm sóc với các hộ gia đình thôn Kéo Cọ, Nà U xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình.

Việc chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất là thực hiện theo Quyết định số 1833/QĐ-UBND ngày 8/10/2007 của UBND tỉnh (tiêu chí áp dụng theo Quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chứ không phải Công ty tự ý chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất.

Năm 2016, Công ty có khai thác 20 ha rừng thông (trong đó khai thác tại xã Sàn Viên 16,5 ha và xã Lợi Bác 3,5 ha), diện tích rừng khai thác này là một phần trong diện tích đất Công ty được UBND tỉnh giao đất tại Quyết định số 1264 QĐ/UB-KT ngày 10/10/1997 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quyết định số 819/1998/QĐ/UB-XD ngày 24/6/1998. Việc khai thác gỗ của Công ty được Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam cấp phép và cơ quan chuyên môn (Hạt kiểm lâm) kiểm tra, giám sát theo quy định, Công ty và các chủ hộ nhận khoán đã thống nhất thanh lý hợp đồng và ăn chia sản phẩm (tỷ lệ 35% - 65%).

Việc cắm mốc ranh giới đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện được thực hiện theo Quyết định số 2152/QĐ-UBND ngày 25/11/2015 của UBND tỉnh Lạng Sơn về phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Dự toán lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cắm mốc ranh giới, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Như vậy, việc cắm mốc ranh giới đất lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình làm cơ sở lập hồ sơ giao đất, thuê đất là đúng theo quy định của pháp luật.

Chinhphu.vn