Xử phạt khi lấn chiếm công trình khí tượng thủy văn.

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 11/04/2016

(TN&MT) – Hiện tại, ở địa phương tôi, người dân thường xuyên lấn chiếm diện tích đất xung quanh trạm đo mưa tự động của thành phố để...
 
(TN&MT) – Hiện tại, ở địa phương tôi, người dân thường xuyên lấn chiếm diện tích đất xung quanh trạm đo mưa tự động của thành phố để trồng rau sạch. Việc làm này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công trình và mỹ quan thành phố. Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy cơ quan nhà nước xử phạt các hành vi trên. Cho tôi hỏi, hành vi lấn chiếm đất như vậy có bị cấm hay không? Người lấn chiếm có bị xử phạt hay không? Mức phạt như thế nào?.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Trả lời:
 
Câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo Điều 8, Luật Khí tượng thủy văn 2015, những hành vi sau bị nghiêm cấm:
 
“1. Lợi dụng hoạt động khí tượng thủy văn gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Lấn, chiếm khoảng không, diện tích mặt đất, dưới đất, mặt nước, dưới nước của công trình khí tượng thủy văn.
3. Vi phạm quy định hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn.
4. Làm ảnh hưởng đến công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn.
5. Xâm hại công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn, thiết bị thông tin, các thiết bị kỹ thuật khác của công trình khí tượng thủy văn; va đập vào công trình; đập phá, dịch chuyển các mốc độ cao.
6. Cản tr việc quản lý, khai thác công trình khí tượng thủy văn.
7. Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mà không có giấy phép hoặc trái với giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
8. Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trái quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
9. Cố ý vi phạm quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động khí tượng thủy văn.
10. Tác động vào thời tiết khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết hoặc trái với kế hoạch được phê duyệt.
11. Che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ, không kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.
12. Làm trái quy định về truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
13. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá quyền hạn của người có thẩm quyền để làm trái quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.
14. Lợi dụng hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”.
Như vậy, hành vi lấn, chiếm diện tích mặt đất xung quanh trạm đo mưa tự động để trồng rau sạch là hành vi bị nghêm cấm.
Về hình thức xử phạt và mức phạt hành chính đối với hành vi trên sẽ áp dụng các quy định tại Nghị định 139/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo đó, Điều 3 Nghị định 139/NĐ-CP quy định: Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả:
“1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy phép gồm: Giấy phép đối với các hoạt động phải có phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính…”.
Mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm sẽ là: Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống lụt, bão là 50.000.000 đồng.
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều là 100.000.000 đồng.
Báo TN&MT