Điều kiện hỗ trợ lãi suất cho bảo vệ và phát triển rừng

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 27/06/2016

(TN&MT) - Thưa quý báo, đối với người dân tộc trồng rừng tại các địa phương nghèo như chúng tôi, việc nhà nước hỗ trợ kinh phí để bảo vệ và phát triển rừng là rất đúng đắn. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chính sách này, người dân vẫn còn nhiều lúng túng. Quý báo cho tôi hỏi, chính sách cụ thể ra sao?

Trả lời

Theo Thông tư 81/2016/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hỗ trợ lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, những đối tượng sau sẽ được hưởng cơ chế hỗ trợ lãi suất: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng: bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng.

Cụ thể, đối tượng rừng khoán bảo vệ được hỗ trợ gồm: Diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên Nhà nước giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý; Diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) quản lý. Mức hỗ trợ là: Được hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm; Được hưởng lợi từ rừng và thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước.

Trong khi đó, đối tượng được hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung gồm: Rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Mức hỗ trợ là: Hỗ trợ bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm; Hỗ trợ trồng rừng bổ sung, mức hỗ trợ theo thiết kế - dự toán, tối đa không quá 1.600.000 đồng/ha/năm trong 03 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 03 năm tiếp theo. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Cũng theo Thông tư 81/2016/TT-BTC, điều kiện để được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất là đã ký hợp đồng và đã được giải ngân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từ ngày 2-11-2015 đến hết ngày 31-12-2020 theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 75 và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nếu các khoản vay (gồm cả gốc và lãi) bị quá hạn trả nợ hoặc được gia hạn nợ thì không được hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian khoản vay bị quá hạn trả nợ hoặc được gia hạn nợ, trừ các trường hợp khoản cho vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được gia hạn nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trường hợp khách hàng đã thanh toán nợ quá hạn và trả nợ đúng hạn từ kỳ trả nợ tiếp theo thì khách hàng tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất.

Ngoài ra, Thông tư nêu rõ, hàng năm, chậm nhất vào ngày 31-7, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lập kế hoạch hỗ trợ lãi suất cả năm kế hoạch (có chia ra từng quý) theo quy định gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp vào dự toán ngân sách Nhà nước.

Báo TN&MT