Doanh nghiệp xả thải trực tiếp vào biển, xử phạt như thế nào?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 03/03/2017

(TN&MT) - Công ty A có xây dựng một nhà máy nhiệt điện. Tháng 8/2016, công ty A đã có hành vi xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước biển. Vậy hành vi này bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì mức phạt như thế nào?

Trả lời:

Cơ sở pháp lý: Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/06/2012; Nghị định 201/2012/NĐ- CP ngày 27/11/2013 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước.

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ Quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Căn cứ vào thông tin mà câu hỏi đưa ra, nhận thấy nhà máy xả nước thải vào nguồn nước thuộc trường hợp phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (Điều 44 Luật Tài nguyên môi trường nước 2012).

Hành vi xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước là hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện không đúng với giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Do đó, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm hình phạt tiền và hình phạt bổ sung.

Hình phạt tiền: Tùy theo lượng xả nước thải vào nguồn nước mà có mức phạt tượng ứng. Điều 12 Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định cụ thể mức phạt cho từng hành vi vi phạm, vì bạn không nói rõ hành vi xả nước thải của công ty bạn như thế nào nên tôi đưa ra các trường hợp cụ thể để bạn đối chiếu:

1. Hành vi xả nước thải có chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước với lưu lượng nước thải không vượt quá 5 m3/ngày đêm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

2. Hành vi Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ trên 5 m3/ngày đêm đến dưới 50 m3/ngày đêm, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này hoặc/và xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ trên 10.000 m3/ngày đêm đến dưới 30.000 m3/ngày đêm thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

3. Hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 50 m3/ngày đêm đến dưới 100 m3/ngày đêm, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này hoặc/và xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 30.000 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm thì phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

4. Hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 100 m3/ngày đêm đến dưới 500 m3/ngày đêm hoặc xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 50.000 m3/ngày đêm đến dưới 100.000 m3/ngày đêm thì bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

5. Hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 500 m3/ngày đêm đến dưới 1.000 m3/ngày đêm hoặc xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 100.000 m3/ngày đêm đến dưới 150.000 m3/ngày đêm thì phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.

6. Hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm đến dưới 2.000 m3/ngày đêm hoặc xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 150.000 m3/ngày đêm đến dưới 200.000 m3/ngày đêm thì bị phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng.

7. Hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm hoặc xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 200.000 m3/ngày đêm đến dưới 300.000 m3/ngày đêm thì bị phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng.

8. Hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên hoặc xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 300.000 m3/ngày đêm trở lên thì bị phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng.

Ngoài ra công ty A còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng nguồn nước.