Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 20/04/2017

Hỏi: Cử tri nhiều tỉnh trong cả nước kiến nghị tăng mức xử phạt và tăng thẩm quyền xử phạt cho UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về tài nguyên và môi trường ngay từ cấp cơ sở. Vậy xin hỏi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được quy định như thế nào?

Trả lời:

Mức phạt tối đa đến 1 tỷ đồng

Theo quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, về cơ bản đã quy định mức phạt tiền tối đa nói chung trong các lĩnh vực so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008).

Các mức phạt tiền tối đa trên đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ nhằm bảo đảm tính răn đe, giáo dục, tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa vi phạm hành chính hiện nay.Đối với lĩnh vực điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, thì mức phạt tiền tối đa đến 250 triệu đồng; quản lý rừng, lâm sản, đất đai phạt tiền đến 500 triệu đồng; riêng thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, phạt tiền đến 1 tỷ đồng.

Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp

Điều 28, 29 và 30 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của UBND các cấp như sau: 

- Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đến 2 triệu đồng.

- Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực, có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Trong khi đó, Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp như sau:

- Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 10% mức phạt tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng được quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền thuộc thẩm quyền.

- Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 50% mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức phạt tiền thuộc thẩm quyền.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực; có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (không giới hạn giá trị).

Theo đó, thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND các cấp trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đều ở ngưỡng tối đa 5 triệu đồng đối với cấp xã và 50 triệu đồng đối với cấp huyện. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền ở mức tối đa tuỳ từng lĩnh vực (đối với lĩnh vực điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, thì phạt tiền đến 250 triệu đồng; riêng lĩnh vực quản lý rừng, lâm sản, đất đai thì phạt tiền đến 500 triệu đồng; riêng lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, thì phạt tiền đến 1 tỷ đồng).

Quy định về thẩm quyền phạt tiền trên là thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì thẩm quyền này tăng lên gấp đôi.

Như vậy, thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND các cấp, trong đó đặc biệt là cấp huyện đã được tăng lên tương ứng với các mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong đó thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND các cấp trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhìn chung đã được tăng lên gấp đôi so với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng ngừa vi phạm hành chính hiện nay và bảo đảm tính răn đe, giáo dục chung.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị hạn chế theo thẩm quyền phạt tiền, do đó, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành của Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện có sự hạn chế hơn so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính vì Pháp lệnh không quy định việc giới hạn giá trị. Trong trường hợp giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lớn hơn so với thẩm quyền phạt tiền thì vụ việc vi phạm hành chính phải chuyển lên cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm cao hơn.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Như vậy, tính đến nay Luật mới có hiệu lực trong thực tế với khoảng thời gian tương đối ngắn (hơn 6 tháng). Do vậy, cần có thời gian để triển khai bảo đảm để các quy định của Luật đi vào cuộc sống. Trường hợp qua thực tiễn áp dụng có phát sinh những bất cập, hạn chế, không phù hợp với thực tiễn (bao gồm cả vấn đề về mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền phạt tiền nêu trên) thì Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, báo cáo đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Báo TN&MT