Cha mẹ tặng đất cho con có đòi lại được không?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 31/12/2016

(TN&MT) – Gia đình ông An trao nhà cho con trai, tuy nhiên do không chung sống cùng liệu có đòi lại được nhà hay không?

Vợ chồng ông Hoàng Văn An có 5 người con, trong đó anh Hoàng Thanh Bình là người con trai duy nhất. Khi tuổi cao sức yếu, vợ chồng ông An quyết định trao lại toàn bộ diện tích nhà, đất cho vợ chồng anh Bình. Để thực hiện ước nguyện của mình, ngày 9/9/2009, ông An cùng vợ đến văn phòng công chứng làm hợp đồng tặng cho nhà đất của mình cho vợ chồng anh An (mảnh đất này đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) với điều kiện vợ chồng anh Bình phải có nghĩa vụ phụng dưỡng bố mẹ già và sau này chăm lo mồ mả, hương khói tổ tiên.

Nhà tặng cho người khác liệu có đòi lại được. Ảnh minh họa
Nhà tặng cho người khác liệu có đòi lại được. Ảnh minh họa

Sau khi được tặng cho nhà, anh Bình phá ngôi nhà cũ của cha mẹ và xây dựng một ngôi nhà mới. Thời gian đầu, gia đình Bình sống rất hòa thuận, nhưng càng về sau, do phát sinh mâu thuẫn, mối quan hệ giữa vợ chồng anh Bình với ông bà An diễn ra căng thẳng, không thể sống chung trong một ngôi nhà nữa. Tuy nhiên, do không còn chỗ ở khác nên ông bà An làm đơn khởi kiện đòi lại nhà đất của mình hiện do vợ chồng anh Bình sử dụng.

Hỏi: Việc kiện đòi lại nhà đất của ông bà An đúng hay không? Tại sao? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?

Văn phòng Luật sư Trịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) tư vấn như sau:

Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2005; Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cho thấy Việc đòi lại nhà đất của ông bà An là đúng, bởi:

Điều 470 BLDS 2005 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện:

“1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

3. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Căn cứ các dữ liệu tình huống đưa ra, có thể thấy việc tặng nhà đất của ông bà An đối với vợ chồng Bình là tặng cho tài sản có điều kiện, Ông bà An đồng ý sang tên cho vợ chồng Bình nhưng đổi lại, vợ chồng Bình phải chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ già và sau này chăm lo mồ mả, hương khói tổ tiên. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình ông An đã không còn êm đẹp như trước, nếu thật sự chứng minh được vợ chồng ông Bình không chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ mình thì đồng nghĩa với việc vợ chồng ông Bình đã vi phạm điều kiện của hợp đồng tặng cho tài sản.

Hơn nữa, điều kiện mà ông bà An đặt ra đối với con mình không có gì là quá đáng, cho dù không có điều kiện đó thì việc vợ chồng ông Bình phải thực hiện những việc trên là lẽ đương nhiên, vậy là vợ chồng ông Bình lại không làm tròn bổn phận của mình.

Như vậy, ông bà An có quyền đòi lại nhà đất, thậm chí có quyền yêu cầu bồi thường (nếu có).

Cũng tại Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: “Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.”

Giữa ông bà An và vợ chồng Bình có giao dịch dân sư là hợp đồng tặng cho tài sản, việc ông bà An kiện đòi lại tài sản tặng cho có điều kiện là tranh chấp hơp đồng dân sự. Do vậy, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này.

Khoản 1 Điều 35 BLTTDS quy định Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự được quy định tại Điều 26 BLTTDS.

Điểm c Khoản 1 Điều 39 BLTTDS quy định về Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Như vậy, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản sẽ thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên.