Quy định về động viên, thuyết phục và thông báo cưỡng chế tại tỉnh Cà Mau

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 26/10/2017

(TN&MT) - Gia đình tôi có một mảnh đất sẽ bị cưỡng chế thu hồi tại tỉnh Cà Mau. Do không chấp nhận chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng của tỉnh nên chúng tôi cương quyết không di dời khỏi mảnh đất. Xin hỏi, hiện nay, chính sách triển khai cưỡng chế thu hồi đất và công tác động viên, thuyết phục và thông báo cưỡng chế thu hồi đất tại tỉnh Cà Mau như thế nào? Chúng tôi muốn tìm hiểu cụ thể các quy định này thì phải đọc những văn bản nào?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Nếu ở tỉnh Cà Mau, bạn có thể tìm hiểu các quy định liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất tại Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND Quy định chi tiết việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Điều 9 Quyết định trên quy định về triển khai quyết định cưỡng chế, niêm yết quyết định cưỡng chế như sau:

“1. Ngay sau khi ban hành quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế cho Ban thực hiện cưỡng chế; cơ quan, tổ chức có liên quan; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế để phối hợp thực hiện.

2. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức triển khai và gửi quyết định cưỡng chế cho đối tượng bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quyết định cưỡng chế được triển khai, giao trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm cho đối tượng bị cưỡng chế biết:

a) Đối với trường hợp quyết định cưỡng chế được triển khai giao trực tiếp mà đối tượng bị cưỡng chế không nhận, cố tình vắng mặt (tại nơi cư trú hoặc không đến làm việc theo thư mời; không có người thân sống tại nơi cư trú hoặc không ủy quyền cho người khác đến làm việc theo thư mời) thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản về việc đối tượng cưỡng chế vắng mặt không nhận quyết định cưỡng chế; đồng thời lập biên bản niêm yết quyết định cưỡng chế tại Ủy ban nhân dân cấp xã, trụ sở khóm, ấp nơi thực hiện cưỡng chế, có 02 (hai) người chứng kiến ký vào biên bản và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, thì được xem là quyết định đã được giao;

Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế vắng mặt thì quyết định cưỡng chế được giao cho một trong những người trong gia đình của đối tượng bị cưỡng chế có đủ năng lực hành vi dân sự, cùng nơi cư trú với đối tượng bị cưỡng chế, bao gồm: Cha, mẹ, vợ, chồng, con của đối tượng bị cưỡng chế. Việc giao quyết định cưỡng chế phải lập biên bản, phải có ký tên hoặc điểm chỉ của người nhận, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, thì được xem là quyết định đã được giao.

b) Đối với trường hợp gửi qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại cho Ban thực hiện cưỡng chế với lý do cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình không nhận; đồng thời lập biên bản niêm yết quyết định cưỡng chế tại Ủy ban nhân dân cấp xã, trụ sở khóm, ấp nơi thực hiện cưỡng chế, có 02 (hai) người chứng kiến ký vào biên bản và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã thì được xem là quyết định đã được giao.

3. Quyết định cưỡng chế sau khi được ban hành phải được niêm yết công khai tối thiểu 05 (năm) ngày trước khi thực hiện cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và trụ sở khóm, ấp nơi thực hiện cưỡng chế. Việc niêm yết được lập thành biên bản, có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì (có trách nhiệm niêm yết), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng khóm, ấp nơi thực hiện cưỡng chế.

Quyết định cưỡng chế phải được niêm yết công khai cho đến khi kết thúc việc cưỡng chế”.

Còn tại Điều 11 Quyết định trên quy định về động viên, thuyết phục và thông báo cưỡng chế, cụ thể:

“1. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày đối tượng bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế hoặc không nhận trực tiếp nhưng đã thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục thì Ban thực hiện cưỡng chế phối hợp với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành, đoàn thể cấp xã động viên, thuyết phục đối tượng bị cưỡng chế, người có quyền và nghĩa vụ liên quan tự nguyện chấp hành quyết định có hiệu lực pháp luật.

2. Nếu đối tượng bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện và phải được thành phần tham dự, đối tượng bị cưỡng chế ký tên hoặc điểm chỉ. Việc chấp hành tự nguyện phải được thực hiện trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

3. Nếu đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện chấp hành sau 03 (ba) ngày làm việc thì Ban thực hiện cưỡng chế tiến hành lập biên bản xác nhận về việc không tự nguyện thi hành và tiến hành thông báo thời gian cưỡng chế bằng văn bản. Thông báo cưỡng chế phải có các nội dung cơ bản: Đối tượng được thông báo cưỡng chế; thời gian, địa điểm cưỡng chế; thời hạn cưỡng chế sau 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày thông báo; yêu cầu đối tượng bị cưỡng chế, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có tài sản trên đất phải di dời tài sản ra khỏi nơi thực hiện cưỡng chế”.

Báo TN&MT