Hơn 200 quốc gia cam kết không xả chất thải nhựa ra biển

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 07/12/2017

(TN&MT) - Ngày 7/12, hơn 200 quốc gia đã ký một nghị quyết của Liên hiệp quốc ở Nairobi, thủ đô của Kenya nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa trên biển và đại dương. Một số đại biểu cho rằng động thái này sẽ mở đường cho một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý.
Một cậu bé đang mò cá trong dòng nước ô nhiễm gần bãi biển ở thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ vào ngày 3/7/2013. Ảnh: Reuters/ Babu
Một cậu bé đang mò cá trong dòng nước ô nhiễm gần bãi biển ở thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ vào ngày 3/7/2013. Ảnh: Reuters/ Babu

Cuộc họp do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức. UNEP nhấn mạnh nếu tình trạng ô nhiễm hiện nay còn kéo dài, các vùng biển sẽ có nhiều túi nhựa hơn là cá vào năm 2050.

Theo UNEP, khoảng 8 triệu tấn chai nhựa, bao bì và các chất thải khác được đổ ra biển mỗi năm, làm chết sinh vật biển và xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người.

Bộ trưởng Môi trường Na Uy Vidar Helgesen nói với Reuters: "Có rất nhiều hành động quyết liệt trong nghị quyết này. Hiện tại chúng ta có một thỏa thuận để chỉ ra một công cụ ràng buộc pháp lý và các biện pháp khác và sẽ được thực hiện ở cấp độ quốc tế trong 18 tháng tới”.

Theo Bộ trưởng Vidar Helgesen, Nauy - nước khởi xướng nghị quyết này đã chứng kiến ​​những thiệt hại do ô nhiễm gây ra.    

"Chúng tôi đã tìm thấy chất dẻo nhỏ bên trong những con trai mà chúng tôi thích ăn. Đáng chú ý, hồi tháng 1/2017, các nhà khoa học đã phát hiện 30 túi nilon và rác thải nhựa trong bụng của một con cá voi bị chết trên bãi biển ở Na Uy” - ông Helgesen cho biết thêm.

Theo ông Erik Solheim, người đứng đầu UNEP, Trung Quốc là nước sản xuất chất thải nhựa lớn nhất thế giới nhưng đã bắt đầu nỗ lực cắt giảm.

"Nếu có một quốc gia thay đổi tại thời điểm này nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, đó chính là Trung Quốc… Tốc độ và quyết tâm thay đổi của chính phủ Trung Quốc là rất lớn” – ông Solheim nhấn mạnh.

Solheim mong muốn các quốc gia cấm và thiết kế lại một số bao bì.

"Hãy để lại những thứ mà chúng ta không cần... Nếu đến các điểm du lịch như Bali, Indonesia, chúng ta sẽ thấy một lượng lớn chất thải nhựa dưới đại dương là các ống hút” - ông Solheim cho biết.

Theo nghị quyết, các nước nhất trí bắt đầu giám sát lượng nhựa thải ra đại dương.

"Mặc dù đây không phải là một hiệp định nhưng tiến bộ đáng kể đang được thực hiện... 39 nước đã tuyên bố những cam kết mới để giảm lượng nhựa thải ra biển", ông Sam Barrat - Trưởng phòng vận động chính phủ tại UNEP thông báo.

"Ngày hôm nay (7/12), Chile, Oman, Sri Lanka và Nam Phi đã thông báo các biện pháp bao gồm cấm túi nilon và tăng cường tái chế” - ông Sam Barrat cho biết.

Mai Đan

Tổng hợp từ Reuters & BBC