COP 23: Các chuyên gia kêu gọi tập trung nhiều hơn vào tài nguyên nước

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 19/11/2017

(TN&MT) - Các vấn đề quan trọng về cấp nước, chất lượng nước và tìm kiếm nguồn nước không được thảo luận nhiều tại COP23 và các khoản tài trợ cho các dự án về...
(TN&MT) - Các vấn đề quan trọng về cấp nước, chất lượng nước và tìm kiếm nguồn nước không được thảo luận nhiều tại COP23 và các khoản tài trợ cho các dự án về nước đang giảm.
 
Hầu hết các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra thông qua nước, có thể là lũ lụt, bão hoặc hạn hán, nước biển dâng hoặc axit hóa đại dương dẫn tới việc tẩy trắng san hô. Không có gì ngạc nhiên khi hơn một nửa kế hoạch thích ứng với BĐKH do các nước thuộc Hiệp định Khí hậu Paris đưa ra ưu tiên hành động về nước. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng này không được chú ý nhiều trong các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu và cũng không được đầu tư nhiều.
 
Tất cả các dự án về cấp nước, bảo tồn và làm sạch nước trên thế giới chỉ trị giá 100 tỷ USD một năm. Bên lề Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP23) tại Bonn, Đức, các chuyên gia về nước cho biết, các dự án này cần tăng gấp 3 lần.
 
Mariet Verhoef-Cohen, Chủ tịch của Liên minh Phụ nữ về Nước, đồng Chủ tịch của Diễn đàn khan hiếm nước trong nông nghiệp cho biết: "Việc sử dụng nước bền vững cho nhiều mục đích phải là một lối sống và là mấu chốt của việc xây dựng các thành phố và nơi định cư của con người, cũng như đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh BĐKH”.
 
Tại COP 23, cộng đồng nước quốc tế đã nhất trí ký kết "Tuyên bố giải pháp dựa trên thiên nhiên" nhằm khuyến khích sử dụng các hệ thống tự nhiên để quản lý nguồn cung cấp nước sạch.
 
Ở Nam Á, phụ nữ thường phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến thiếu thốn nguồn nước. Ảnh: Knut-Erik Helle
Ở Nam Á, phụ nữ thường phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến thiếu thốn nguồn nước. Ảnh: Knut-Erik Helle
 
Một nguyên nhân khiến nước không nhận được nhiều sự quan tâm hoặc tài trợ trong các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế là do nước được cho là vấn đề địa phương. Tuy nhiên, trong thời điểm nguồn nước ngày càng trở nên khan hiếm, sự quản lý nguồn nước không khôn ngoan sẽ gây ảnh hưởng toàn cầu.
 
Khoảng 40% dân số thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình di cư và gây ra mâu thuẫn, trong khi một số vùng có thể giảm đến 6% sản lượng kinh tế, trừ khi được quản lý tốt hơn.
 
Đảm bảo tính sẵn có và quản lý bền vững nước và vệ sinh trên toàn thế giới là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, nhưng việc đáp ứng mục tiêu này đang gặp cản trở do thiếu vốn.
Theo Verhoef-Cohen, việc đưa ra quyết định và các sáng kiến tài nguyên nước tổng hợp dẫn đến sự bền vững, quản lý và hiệu quả tốt hơn cho thấy một thực tế là phụ nữ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về nước nhiều hơn nam giới.
 
Trong bối cảnh nước ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống, một số mạng lưới bao gồm #ClimateIsWater, Liên minh về Thích ứng Nước toàn cầu (AGWA) và Liên minh Toàn cầu về Nước và Khí hậu (GAfWaC) đã tham dự COP 23 để nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cộng đồng khác. Họ cho rằng nước phải trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các chính sách quốc gia và được lồng ghép với các lĩnh vực chính khác như năng lượng, an ninh lương thực, y tế và giáo dục.
 
Mai Đan
Tổng hợp từ Thethirdpole.net