Thế giới sẽ cần công nghệ "hút cácbon" vào năm 2030

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 12/10/2017

(TN&MT) - Các phương pháp mới để hút và lưu giữ lượng khí thải, như trồng rừng và bơm cácbon dưới lòng đất, hiện đang tốn kém và cần được thử nghiệm.

Theo các nhà khoa học, nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây ra sự nóng lên toàn cầu đã thất bại, các dự án quy mô lớn để hút khí cácbon điôxit trong khí quyển sẽ cần thiết vào năm 2030 để chống lại biến đổi khí hậu.

Nhiều công nghệ mới nhằm mục đích hút và lưu giữ lượng khí thải cácbon rất tốn kém, gây tranh cãi và đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Bill Hare thuộc Climate Analytics, một viện tư vấn chính sách ở Berlin, Đức cho biết: "Nếu thực sự quan tâm đến các rạn san hô, đa dạng sinh học và sản xuất lương thực ở các khu vực rất nghèo, chúng ta sẽ phải triển khai công nghệ “phát thải âm” một cách có quy mô" .

Hồi năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận và thống nhất đưa ra mục tiêu giữ ấm trái đất không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học cho rằng mục tiêu này là chìa khóa để bảo vệ các quốc đảo nhỏ khỏi sự gia tăng mực nước biển, hỗ trợ sản xuất lương thực và ngăn ngừa thời tiết khắc nghiệt.

Các nhà khoa học tại Viện Chatham House, một thinktank hàng đầu về chính trị quốc tế tại London (Anh) cho hay các công nghệ hút cácbon rất cần thiết để giữ cho hành tinh đạt được mức nhiệt 2 độ C thấp nhất theo mục tiêu của thỏa thuận Paris.

"Thế giới vẫn ở mức nóng lên trung bình khoảng 1 độ. Đó là sự thật không ai muốn. Chúng ta cần có kiến ​​thức địa kỹ thuật vào giữa những năm 2030 để có thể đạt được mục tiêu 1,5 độ C”, Hare nói trong khi đề cập đến những nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu thông qua kỹ thuật.

Những ý tưởng này bao gồm trồng rừng hấp thụ cácbon trên diện rộng, sau đó thu hoạch gỗ để lấy năng lượng và bơm khí thải ra dưới lòng đất - một quá trình có thể sẽ được trình bày trong báo cáo của Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) vào năm tới.

 

Hồi năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận và thống nhất đưa ra mục tiêu giữ ấm trái đất không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ảnh: Murdo Macleod for the Guardian
Hồi năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận và thống nhất đưa ra mục tiêu giữ ấm trái đất không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ảnh: Murdo Macleod for the Guardian

Theo Corinne Le Quéré, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Tyndall thuộc Đại học East Anglia, những nỗ lực để hút cácbon trong lòng đất là "không có tiến bộ và thậm chí tụt hậu trong một số trường hợp".

Lưu trữ cácbon dưới lòng đất đã được đẩy mạnh như một động thái để Mỹ và các nước khác thúc đẩy phát triển công nghệ than sạch.

Tương tự, các nhà khoa học cho biết trồng nhiều rừng hơn - một công nghệ được biết đến như Beccs, hoặc năng lượng sinh học với việc thu và giữ cácbon - làm tăng các vấn đề về an ninh lương thực và quyền sử dụng đất.

Le Quéré cho biết, Beccs "có thể đưa chúng ta tới mức không phát thải" mặc dù "thật khó tưởng tượng chúng ta có thể sử dụng đất ở mức yêu cầu trong mô hình".

Le Quéré kêu gọi các chuyên gia tập trung vào các phương pháp đã được chứng minh, như nâng cao hiệu suất năng lượng, thúc đẩy vận chuyển sạch hơn, ăn ít thịt hơn và tăng năng lượng tái tạo.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc tung ra “công nghệ phát thải âm” tốn kém có thể làm giảm áp lực hành động nhanh chóng nhằm cắt giảm khí thải.

Mai Đan

Tổng hợp từ Guardian