Kenya phạt tù 4 năm hoặc 40.000 USD những người sử dụng túi nilon

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 29/08/2017

(TN&MT) – Từ ngày 28/8, người Kenya sản xuất, bán hoặc thậm chí sử dụng túi nilon (túi nhựa dùng một lần) sẽ bị phạt tù 4 năm hoặc phạt tiền 40.000...
(TN&MT) – Từ ngày 28/8, người Kenya sản xuất, bán hoặc thậm chí sử dụng túi nilon (túi nhựa dùng một lần) sẽ bị phạt tù 4 năm hoặc phạt tiền 40.000 USD. Tính đến thời điểm này, đây là luật cấm túi nilon nghiêm ngặt nhất thế giới.
 
Việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng túi nilon tại Kenya là bất hợp pháp vì giới chức trong nước muốn đất nước giảm ô nhiễm nhựa, túi nilon.
 
Nhiều túi nilon trôi dạt ra biển, bóp nghẹt những con rùa, hải âu và lấp đầy bao tử cá heo, cá voi bằng chất thải cho đến khi chúng chết đói. "Nếu thực trạng này cứ tiếp tục, vào năm 2050, túi nion trong đại dương sẽ nhiều hơn cá” - Habib El-Habr, một chuyên gia về rác biển của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đang làm việc ở Kenya cho biết.
 
“Các túi nilon phải mất từ 500 - 1.000 năm mới phân hủy hoàn toàn. Túi nilon sẽ đi vào chuỗi thực phẩm của con người thông qua cá và các gia súc khác. Tại các lò mổ ở Nairobi, các nhân viên giết mổ phát hiện có đến 20 túi nilon nằm trong dạ dày của một số con bò” - El-Habr nhấn mạnh.
 
Khi nhìn những người giết mổ lôi ra những túi nilon đẫm ướt từ dạ dày của những con bò vừa được mổ, bác sĩ thú y Mbuthi Kinyanjui cho biết: “Chúng tôi không thấy chuyện này cách đây 10 năm nhưng bây giờ, chúng tôi chứng kiến hàng ngày”.
 
Túi nhựa nằm chất đống trên một bãi rác ở khu ổ chuột Kibera, Nairobi, Kenya. Ảnh: Daniel Inhouseu / EPA
Túi nhựa nằm chất đống trên một bãi rác ở khu ổ chuột Kibera, Nairobi, Kenya. Ảnh: Daniel Inhouseu / EPA
 
Theo luật cấm túi nilon nghiêm ngặt này của Kenya, cảnh sát sẽ đi theo sau bất cứ ai mang túi nilon. Tuy nhiên, Judy Wakhungu, Bộ trưởng Môi trường của Kenya cho biết việc thi hành luật ban đầu sẽ hướng tới các nhà sản xuất và nhà cung cấp.
 
Phải mất 10 năm Kenya mới đưa ra được lệnh cấm vì không phải ai cũng đồng tình. Samuel Matonda, phát ngôn viên của Hiệp hội các nhà sản xuất Kenya cho biết sẽ có khoảng 60.000 việc làm bị mất và 176 nhà sản xuất phải đóng cửa vì Kenya đang là nhà xuất khẩu túi nilon với số lượng lớn ra khu vực.
 
Theo Matonda, tác động của luật này sẽ rất nghiêm trọng, thậm chí, sẽ tác động đến cả những người bán rau ở chợ, bởi làm sao khách hàng của họ có thể mang rau về nhà mà không có túi nilon?
 
Các chuỗi siêu thị lớn ở Kenya như Carrefour và Nakumatt đã chuyển sang cung cấp cho các khách hàng túi vải, thay thế túi nilon.
 
Quốc gia Đông Phi này nằm trong danh sách hơn 40 quốc gia cấm túi nilon, hoặc cấm một phần hoặc đánh thuế túi nilon, trong đó có Trung Quốc, Pháp, Rwanda và Ý.
 
Mai Đan
Tổng hợp từ Guardian