Hơn 150 chuyên gia Úc đề nghị chính phủ hành động khẩn cấp chống BĐKH

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 26/08/2016

(TN&MT) - Hơn 150 chuyên gia Úc đã ký vào bức thư ngỏ gửi Thủ tướng nước này, ông Malcolm Turnbull để đề nghị chính phủ thực hiện những hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu như những cảnh báo của các nhà khoa học khí hậu.

Bức thư do nhà khí hậu Andrew Glikson thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU) soạn thảo kêu gọi chính phủ liên bang cắt giảm lượng khí thải cácbon và xuất khẩu than trong khi vẫn còn thời gian.

Trong số 154 người ký vào bức thư trên có các nhà khoa học hàng đầu về khí hậu và môi trường như Tim Flannery, Will Steffen và Lesley Hughes thuộc Hội đồng khí hậu cũng như các nhà nghiên cứu rạn san hô Ove Hoegh-Guldberg và Charlie Veron.

Họ chỉ ra rằng tháng 7/2016 là tháng nóng kỷ lục. Nồng độ CO2 trung bình trong không khí đạt 400 phần triệu trong năm 2015 và đang tăng với tốc độ gần 3 ppm mỗi năm.

Trong lá thư, các tác giả viết thế giới đã chứng kiến ​​những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt sự gia tăng của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, sự nóng chảy của các tảng băng Bắc Cực và axit hóa đại dương.

Úc cùng 179 quốc gia khác đã ký Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu trung bình dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và theo đuổi mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ đến 1,5 độ C.

Rạn san hô Great Barrier Reef nhìn từ không gian. Các nhà khoa học nghiên cứu về rạn san hô là những chuyên gia hàng đầu đã viết thư cho Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull để nhấn mạnh rằng thế giới đang trong
Rạn san hô Great Barrier Reef nhìn từ không gian. Các nhà khoa học nghiên cứu về rạn san hô là những chuyên gia hàng đầu đã viết thư cho Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull để nhấn mạnh rằng thế giới đang trong "sự kìm kẹp" của biến đổi khí hậu. Ảnh: International Space Station / NASA / ESA

Mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Úc hiện nay là đến năm 2030, lượng khí thải giảm 26-28% so với năm 2005. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng mục tiêu này là chưa đủ và Hiệp định Paris có nguy cơ không được thực thi đầy đủ do hiệp định chỉ có hiệu lực khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới phê chuẩn. Do đó, các nhà khoa học kêu gọi chính phủ Úc hành động để chuyển đổi các công nghệ thải ra khí cácbon sang nguồn năng lượng sạch càng sớm càng tốt, đồng thời tập trung giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Andrew Blakers, Giáo sư kỹ thuật tại ANU cho biết Úc có thể giảm hai phần ba lượng khí thải vào năm 2030 với chi phí không đáng kể.

“Giá năng lượng tái tạo giảm, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, khí ga được thay thế bằng điện để sưởi ấm và sự ra đời của xe điện sẽ loại bỏ hầu hết lượng khí thải. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió được lắp đặt ở mức 1 gigawatt mỗi năm sẽ cần phải tăng đến 2,5 GW mỗi năm để đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030” – ông cho biết thêm.

Lượng khí thải còn lại, từ vận chuyển, hàng không và ngành công nghiệp có thể được loại bỏ sau năm 2030 với chi phí cao hơn một chút.

Lesley Hughes, một thành viên của Hội đồng khí hậu và Giáo sư tại Đại học Macquarie, Úc cho rằng có một số yếu tố gây ra khoảng cách giữa khoa học và chính sách, bao gồm các quyền lợi, nhận thức về nhược điểm kinh tế của hành động khí hậu, thiên về tư tưởng và quán tính trong hệ thống từ đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh "vấn đề quan trọng nhất" là khó khăn trong thuyết phục mọi người phải hành động để giảm nhiều thập kỷ gặp nguy cơ trong tương lai.

Mai Đan

Tổng hợp từ Guardian