Trung Quốc quyết cắt giảm 25% khí thải độc hại trong vòng 3 năm tới

Thế giới - Ngày đăng : 00:00, 23/01/2014

Quyết định này được coi là tín hiệu mới nhất về quyết tâm của Bắc Kinh trong việc áp dụng các tiêu chuẩn gay gắt hơn về môi trường...
   
Quyết định này được coi là tín hiệu mới nhất về quyết tâm của Bắc Kinh trong việc áp dụng các tiêu chuẩn gay gắt hơn về môi trường đối với các tỉnh thành của nước này.
   
  Các chỉ tiêu được đề ra bao gồm việc cắt giảm hai loại phân tử độc hại PM 2.5 và PM 10, là các vật chất chính gây ô nhiễm không khí. Bộ Bảo vệ Môi trường - cơ quan đã định ra các chỉ tiêu trên - cho biết việc cắt giảm khí thải sẽ thay đổi tùy theo vùng và tính cả mức ô nhiễm ghi nhận được cũng như nhu cầu kinh tế của khu vực.
   
  Cụ thể, các khu vực tương đối ô nhiễm và phát triển nhiều hơn như Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc kế cận bị đặt chỉ tiêu cắt giảm cao nhất, sẽ phải giảm mức tập trung PM 2.5 tới 25% trước năm 2017. Các khu vực khác như Nội Mông phải cắt giảm 10% mức PM 2.5.
   
Nhiều người dân Trung Quốc phải tự tìm cách bảo vệ mình trước tình trạng ô nhiễm không khí quá nặng tại nước này.
    
   
  Các chuyên gia phân tích ở Trung Quốc rất hoan nghênh quyết định này và cho rằng đó là động thái chứng tỏ quyết tâm của chính phủ trung ương muốn giải quyết một trong các mối quan ngại lớn nhất về sức khỏe đối với cư dân thành thị ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng liệu các thành phố Trung Quốc có theo đúng được chỉ tiêu hay không.
   
  Ông Mã Vĩnh Lương, một giáo sư về môi trường ở Ðại học Thanh Hoa, nói rằng các chỉ tiêu sẽ khó mà đạt được bởi vì nước này vẫn còn đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nhiều khu vực chưa phát triển. “Nhu cầu về nguồn lực để nuôi nền kinh tế sẽ không thay đổi và nhu cầu về than đá thực ra đang tăng thêm”, ông Mã phân tích. Hiện than đá là nguồn năng lượng lớn nhất của Trung Quốc và cũng góp phần nhiều nhất vào nạn ô nhiễm không khí tại nước này.
   
  Theo giáo sư Mã, để cắt giảm lượng than đá, cần phải có một sự tái điều chỉnh hoàn toàn cơ cấu kinh tế của Trung Quốc và việc này sẽ có một tác động tiêu cực đối với sự tăng trưởng. Hiện chính phủ Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nguồn điện năng và định ra giới hạn về sản lượng than trong tương lai. Tuy nhiên, tổn phí và sự khan hiếm các nguồn năng lượng sạch hơn như khí đốt thiên nhiên, năng lượng mặt trời và gió vẫn khiến than đá đang là chọn lựa dễ dàng nhất cho việc phát triển nhanh và rẻ tiền.
   
Năm 2013, nhiều thành phố Trung Quốc luôn chìm trong tình trạng khói bụi.
    
   
  Theo một cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí của Trung Quốc được cho là thủ phạm gây ra 500 nghìn ca chết yểu tại nước này mỗi năm. Năm 2013 còn là một năm đặc biệt xấu về không khí ở khắp Trung Quốc. Bất chấp các nỗ lực của chính phủ, nhiều thành phố tại Trung Quốc trong năm qua đã ghi nhận các mức ô nhiễm kỷ lục khiến một số địa phương phải đóng cửa các trường học và các cơ sở kinh doanh. Tại thủ đô Bắc Kinh, giới truyền thông Trung Quốc thống kê được rằng cứ 6 ngày lại có 1 ngày bị ô nhiễm nặng.
   
  Theo Lao dong