Đất nước Vạn đảo Indonesia cam kết biển không rác thải nhựa

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:38, 16/12/2018

Nhằm bảo vệ môi trường và các loài sinh vật biển, quốc đảo Indonesia cam kết sẽ loại bỏ rác thải nhựa trên biển.

 

Ngày 15/12, quan chức cấp cao của Bộ Các vấn đề văn hóa và phát triển con người Pamuji Lestari cho biết bộ này đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm được 70% lượng rác thải trên biển. Theo bà, mục tiêu này sẽ đạt được một cách từ từ, vận động sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp người dân vào chiến dịch "Indonesia sạch rác thải nhựa."

Phong trào làm sạch Indonesia là một phần của chiến dịch quốc gia nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của môi trường trong sạch.

 

ttxvn bali
Xe dọn rác thải nhựa trên bờ biển Kuta, gần Denpasar, đảo Bali, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Hiện rất nhiều nhóm hoạt động cộng đồng đã tham gia các phong trào làm sạch rác thải thông qua thay đổi thói quen trong cuộc sống, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa. 
 

Sở hữu hơn 17.000 hòn đảo, Indonesia đang đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường biển trầm trọng do rác thải. 

Thậm chí, một số vùng tập trung đông dân cư không hề được trang bị cơ sở vật chất để chứa rác, dẫn đến việc người dân địa phương thải rác trực tiếp ra đường phố, bờ sông, và những rác thải này lại trôi ra biển. 

Tháng 11 vừa qua, người dân sinh sống trên quần đảo Thousand ngoài khơi bờ biển thủ đô Jakarta của Indonesia đã phải vật lộn với những "đợt thủy triều rác," theo đó, ước tính mỗi ngày thu gom tới hơn 40 tấn rác thải. 

Năm ngoái, giới chức Indonesia cũng đã ban bố "tình trạng khẩn cấp về rác thải" sau khi bãi biển ở hòn đảo thiên đường Bali ngập rác.

Nhiều xác sinh vật biển như rùa, cá voi... đã dạt vào các bờ biển ở Indonesia với bụng chứa nhiều cốc nhựa và túi nilon. 

Túi nilon là một trong những loại rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và mất nhiều năm để phân hủy. Gần đây, cộng đồng quốc tế đã quan tâm hơn tới các vấn đề môi trường liên quan đến các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần. 

Năm 2017, Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết không có tính chất bắt buộc yêu cầu ngăn để rác thải nhựa bị vứt ra các đại dương.

Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương - nơi mà chúng sẽ "trôi nổi" trong nhiều thế kỷ. 

Như vậy, theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. 

Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. 

Các nhà khoa học ước tính, mỗi năm chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh 4 vòng Trái Đất, và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi tiêu hủy hoàn toàn.

Cũng như Indonesia, hiện nhiều nước trên thế giới đã có những bước đi mạnh mẽ nhằm giảm lượng rác thải nhựa khổng lồ như cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần, đánh thuế đồ nhựa, ... song song với các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân và đầu tư vào nghiên cứu các phương pháp xử lý rác thải nhựa./.