Tăng trưởng xanh hơn có thể thêm 26 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thế giới vào năm 2030

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:24, 05/09/2018

(TN&MT) - Theo một nghiên cứu ngày 5/9, hành động mạnh mẽ chống lại biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể đóng góp thêm ít nhất 26 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thế giới vào năm 2030.

 

Nghiên cứu này tìm giải pháp xóa tan lo ngại rằng sự thay đổi từ nhiên liệu hóa thạch sẽ làm suy yếu tăng trưởng.
 

Một người đàn ông lướt ván diều ở trước trang trại gió Burbo Bank gần New Brighton, Anh vào ngày 3/9/2018. Ảnh: Phil Noble
Một người đàn ông lướt ván diều ở trước trang trại gió Burbo Bank gần New Brighton, Anh vào ngày 3/9/2018. Ảnh: Phil Noble

Hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận toàn cầu năm 2015 về chống BĐKH vì cho rằng thỏa thuận này gây ra những gánh nặng kinh tế, tài chính "khắc nghiệt" đối với nước Mỹ.

 

Ngược lại, Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế và Khí hậu (GCEC), trong đó có cựu lãnh đạo chính phủ, các nhà lãnh đạo kinh doanh và các nhà kinh tế cho biết có “động lực chưa từng có” hướng tới tăng trưởng xanh hơn, có thể thúc đẩy việc làm và nền kinh tế của các nước.

 

Hành động khí hậu mạnh mẽ có thể mang lại ít nhất 26 nghìn tỷ USD lợi nhuận tích lũy thuần từ nay đến năm 2030 so với hoạt động kinh doanh như bình thường.

 

Nghiên cứu của GCEC cho biết các dự báo chi tiết kể từ lần đầu tiên công bố báo cáo vào năm 2014 sẽ làm nổi bật các cơ hội kinh tế do sự thay đổi từ nhiên liệu hóa thạch.

 

Nghiên cứu cho biết, đầu tư thông minh hơn vào năng lượng, thành phố, thực phẩm sạch và sử dụng đất, nước và ngành công nghiệp có thể tạo ra 65 triệu việc làm mới vào năm 2030, tương đương với tổng lực lượng lao động của Ai Cập và Anh.

 

Theo nghiên cứu trên, sự thay đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch hơn như năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ tránh được 700.000 ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí vào năm 2030.

 

Nghiên cứu đề xuất mức giá khí thải CO2 cao từ 40-80 USD/tấn vào năm 2020 đối với các nền kinh tế lớn.

 

Nghiên cứu cho thấy cải cách trợ cấp trong lĩnh vực năng lượng, cùng với giá carbon cao hơn có thể giúp doanh thu các nước trên thế giới tăng 2,8 nghìn tỷ USD một năm kể từ năm 2030.

 

Cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon, Chủ tịch danh dự của GCEC cho biết đó là "một tuyên ngôn cho cách chúng ta có thể biến tăng trưởng tốt hơn và khí hậu tốt hơn thành hiện thực". Các đồng Chủ tịch bao gồm Paul Pohlman, Giám đốc điều hành của nhóm hàng tiêu dùng Unilever và Giáo sư Nicholas Stern của Đại học Kinh tế London.

 

Trump cho rằng phát thải khí nhà kính do con người tạo ra là nguyên nhân chính của BĐKH và muốn thúc đẩy ngành công nghiệp than. Theo ông, Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015 có thể gây tổn thất 2,7 triệu việc làm của Mỹ vào năm 2025.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo, việc làm của Mỹ bị mất do nhiên liệu hóa thạch có thể được bù đắp bằng sự gia tăng việc làm trong năng lượng tái tạo và xây dựng. 476.000 người hiện đang làm việc liên quan đến năng lượng gió và năng lượng mặt trời tại Mỹ.