17 quốc gia có nguy cơ thiếu hụt nước rất cao
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:39, 06/08/2019
Cũng theo bản đồ này, Việt Nam xếp thứ 105 và nằm trong nhóm ít căng thẳng về nguồn nước.
17 quốc gia có rủi ro cao nhất tập trung chủ yếu ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi Nam Á. Tại đây, theo đánh giá của WRI, các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và khu vực đô thị đang tiêu tốn trung bình tới 80% lượng nước trên bề mặt và nước ngầm mỗi năm.
17 quốc gia có xếp hạng mức độ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ rất cao lần lượt là: Qatar, Israel, Lebanon, Iran, Jordan, Libya, Kuwait, Saudi Arabia, Eritrea, United Arab Emirates, San Marino, Bahrain, Ấn Độ, Pakistan, Turkmenistan, Oman và Botswana. |
Khi cầu vượt cung thì ngay cả những “cú sốc” thiếu nước ở quy mô nhỏ - vốn được dự báo sẽ ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu - cũng có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, khan hiếm nước là nguyên nhân chính gây ra xung đột và di cư tại những quốc gia này.
Theo Tiến sỹ Andrew Steer, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của WRI, căng thẳng về nguồn nước thực sự là cuộc khủng hoảng lớn với hậu quả có thể nhìn thấy rõ ràng, như mất an ninh lương thực, xung đột và di cư, sự bất ổn về tài chính. Nhiều giải pháp mới đang được đưa ra nhằm giải quyết nhưng vấn đề này, nhưng hiệu quả chưa thể nhìn thấy ngay và nếu không có những tính toán rủi ro ngay từ ban đầu, các giải pháp này có thể sẽ gây ra những tốn kém khá lớn.
Bản đồ rủi ro nguồn nước mới cập nhật sử dụng dữ liệu nguồn mở và đã được thẩm định, cho phép người sử dụng hiểu rõ hơn về các rủi ro nguồn nước như lũ lụt, hạn hán và những tình trạng căng thẳng về nguồn nước. Hiện nay, Aqueduct đã có 13 chỉ số về rủi ro nước, bao gồm các bổ sung mới như thực trạng nguồn nước ngầm, sự cạn kiệt nguồn nước, những ảnh chụp nhanh hàng tháng về tình trạng căng thẳng và biến động của nguồn nước.
Trên cơ sở các dữ liệu này, Aqueduct hỗ trợ Chính phủ các nước, các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể xác định và đánh giá những sự rủi ro về nguồn nước trên toàn thế giới, từ đó đưa ra quyết định phù hợp. Ví dụ, Ấn Độ xếp thứ 13 trong 17 quốc gia có tình trạng thiếu nước ở mức độ cao của Aqueduct, nhưng dân số gấp hơn ba lần tổng dân số của 16 quốc gia còn lại. Miền Bắc Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm nghiêm trọng và lần đầu tiên khu vực này được mô phỏng trên bản đồ Aqueduct và đưa vào các tính toán về căng thẳng nguồn nước. Theo ông Shashi Shekhar - cựu Thư ký Bộ Tài nguyên Nước Ấn Độ, chuyên gia cao cấp tại WRI Ấn Độ, nước này có thể quản lý rủi ro về nước với sự trợ giúp của những dữ liệu đáng tin cậy và mạnh mẽ liên quan đến lượng mưa, bề mặt và nước ngầm để phát triển các chiến lược tăng cường khả năng phục hồi. Aqueduct có thể giúp xác định và dành sự ưu tiên cho các rủi ro về nước ở Ấn Độ và trên toàn thế giới.
Dữ liệu từ Bản đồ Rủi ro Nguồn nước Aqueduct cũng cho phép các doanh nghiệp đánh giá những rủi ro về nước trong chuỗi giá trị để xác định các lĩnh vực ưu tiên cho những hành động mang tính hợp tác. Dữ liệu sẽ được cập nhật thường xuyên và trong thời gian tới, Viện Tài nguyên Thế giới kỳ vọng công cụ này sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn trên khắp thế giới, góp phần cải thiện việc quản lý nguồn nước một cách bền vững.