Trung tá nhà giàn và tâm huyết một đời làm báo

Xã hội - Ngày đăng : 20:20, 20/06/2019

(TN&MT) - Trong làng báo Việt Nam, có rất nhiều người “ngoại đạo” - không học hành báo chí một cách căn bản nhưng lại có “máu báo chí” và tâm huyết một đời bám nghề, theo nghiệp. Một trong nhiều nhà báo không chuyên ấy là Trung tá Mai Thắng - sĩ quan Nhà giàn DK1 hiện công tác tại Vùng 2 Hải quân, Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng.
anh 3
Trung tá Mai Thắng giữa Trường Sa

Viết trong say sóng biển

Trong làng báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói đến Trung tá Mai Thắng hiện đang công tác tại Vùng 2 Hải quân đoạt nhiều giải báo chí, bên cạnh việc “tâm phục khẩu phục”, nhiều phóng viên thứ thiệt “ganh tỵ”. Có người cho rằng, sĩ quan Nhà giàn DK1 này viết báo chỉ là “ngoại đạo” nhưng lại “ẵm” rất nhiều giải với các thể loại báo chí khác  nhau ở nhiều cấp ngành, Trung ương và địa phương. Từ sự “tò mò” này, tôi tìm gặp Trung tá Mai Thắng để hiểu thêm về người lính một thời “đầu đội trời chân không đạp đất” ngoài Nhà giàn DK1 giữa ngàn khơi Tổ quốc.

Trung tá Mai Thắng chia sẻ: “Tôi bắt đầu làm báo từ năm 1995, nhưng trước đó, đã viết tác phẩm “Tuổi xanh” trên Báo Tiền Phong. Với tôi, biển, đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 vừa là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, vừa là nơi để tôi thỏa niềm đam mê nghề viết. Tôi đã viết hơn 600 phóng sự về Trường Sa, Nhà giàn DK1”.

anh 1,
Trung tá Mai Thắng nhận giải Nhất Quốc gia trong Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Hà Nội

Tháng 10/1994, sau 5 năm đèn sách tại Trường sĩ quan Chính trị Quân sự (Hà Bắc cũ), anh Thắng được điều về công tác tại Tiểu đoàn DK1 Lữ đoàn 171 Hải quân (trực thuộc Vùng 2 Hải quân). Sau 3 tháng “lăn lê bò trườn” ngoài thao trường, anh Thắng bước chân xuống tàu đi Nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6) nhận nhiệm vụ. Đêm đầu tiên trên con tàu HQ-624, anh không ăn được gì và nôn vì say sóng. Đúng lúc đó, anh nghe được bài hát Gần lắm Trường Sa từ chiếc đài radio của người chính trị viên tàu mở trong đêm. “Lần đầu tiên nghe bài hát này, tôi đã ứa nước mắt. Hình ảnh anh bộ đội hải quân bồng súng đứng gác ngoài hải đảo cứ xao xuyến trong lòng. Tôi nhủ thầm: Hay là mình viết nhật ký về chuyến hải trình đầu tiên đi Nhà giàn DK1? Vậy là vùng dậy, cầm bút viết. Lúc đó, tôi cũng chưa hình dung được viết báo thế nào. Tôi đặt tít: “Trong trái tim bộ đội Trường Sa”. Bài viết nói về tình cảm của tôi và các chiến sĩ lần đầu tiên nghe ca khúc “Gần lắm Trường Sa” giữa trùng khơi. Viết xong, tôi gấp làm bốn, bỏ phong bì, dán tem cẩn thận để gửi về đất liền” - Trung tá Thắng hồi tưởng lại.

Sau 3 ngày hải trình không nghỉ, tàu HQ-624 chở các chiến sĩ ra Nhà giàn DK1 Phúc Nguyên. Không thể nói hết những khó khăn gian khổ đời sống sinh hoạt của Nhà giàn DK1 những năm thập niên 90 của thế kỷ XX. Rau xanh chia nhau từng nắm nhỏ, nước ngọt sẻ từng ca, 10 chiến sỹ xúm nhau nghe thông tin từ đất liền qua chiếc đài catsette nhỏ xíu, nhớ đất liền canh cánh trong lòng, đó là những gì tôi cảm nhận được giữa đại dương. Vốn có “máu” văn chương, Trung tá Mai Thắng tiếp tục viết nhật ký ghi lại những ngày gian khó trên nhà giàn. “Nhà giàn DK1 vào những năm 90 của thế kỷ trước chưa được tuyên truyền như bây giờ, song, tôi mạnh dạn kể đời sống sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ vào một trang giấy xếp hàng kẻ ngang.

Ngày đó, chưa có máy tính, tất cả đều viết tay. Sau một lần viết nháp, một lần viết chính thức, bản thảo bài báo hoàn thành. Tôi gấp lại bỏ vào phong thư, dán tem, gửi về tòa soạn báo theo tàu thay trực và chờ đợi. Hơn 2 tháng sau, tôi nhận được báo biếu của báo Tiền phong bài “Trong trái tim bộ đội Trường Sa” và “Xanh mãi nhà giàn”. Đó là những bài báo đầu tay động viên tôi tiếp tục cầm bút. Tôi bén nghề báo từ đó” - Trung tá Mai Thắng chia sẻ.

anh 4,
"Đường băng Trường Sa" - một trong nhiều tác phẩm đoạt giải của Trung tá Mai Thắng (ảnh tác giả cung cấp)

Những bài báo mặn mòi tình biển

Cho đến bây giờ, sau 25 năm cầm bút, Trung tá Mai Thắng luôn coi viết báo là một nghề lao động trí tuệ nghiêm túc, vinh quang thì ít, nhọc nhằn gian khổ, nguy hiểm nhiêu hơn. Nhưng một khi đã ngấm vào máu thịt thì lao động hết mình. Hơn 600 bài phóng sự chuyên biệt về biển, đảo, hải quân, Trường Sa, Nhà giàn DK1 được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, là ngần ấy góc nhìn và cách thể hiện sinh động khác nhau, nhưng có chung một điểm là ngợi ca, khắc họa sự cống hiến thầm lặng hy sinh quên mình để bảo vệ cột mốc chủ quyền trên biển của những người lính hải quân ở “quần đảo bão tố”.

Trong những phóng sự mặn mòi tình biển, thấm đẫm mồ hôi nắng gió Trường Sa của tác giả Mai Thắng phải kể đến loạt phóng sự 31 kỳ “Những người ở cột mốc chủ quyền trên biển” đăng liên tục trên Báo Tin Tức; hay tuyến bài “Những người lính bất tử của Tổ quốc thời bình”; hoặc loạt phóng sự tài liệu: “Cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa 40 năm trước”; hoặc những phóng sự làm xúc động lòng người như “Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường huyền thoại”; “Tổ quốc nơi đầu sóng”; “Nghĩa trang đặc biệt trên biển”, “Hát ở mắt biển Tổ quốc”…

Trung tá Mai Thắng chia sẻ: “Tôi là bộ đội Nhà giàn DK1 nên các phóng sự chiếm 2/3 về biển, đảo. Khi ở Nhà giàn DK1, lúc công tác ở Trường Sa, tôi hiểu được những cống hiến thầm lặng hy sinh của lính đảo. Chính họ đã thúc dục tôi cầm bút. Tình cảm biển đảo đã thấm vào máu thịt tôi lúc nào không hay. Bởi vậy, tôi viết nhiều về biển đảo mà viết mãi chưa hết”.

Người có duyên với giải thưởng

Mặc dù, là người “ngoại đạo”, hay nói cách khác là nhà báo không chuyên, nhưng anh lại đoạt khá nhiều giải báo chí mà ngay cả những người làm báo chuyên nghiệp cũng phải mơ ước.

Năm 2009, anh đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Người cao tuổi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Báo Người cao tuổi tổ chức với tác phẩm “Người cựu chiến binh đi tìm tình đồng đội”. Sau đó một năm, anh đoạt giải Ba với tác phẩm “Người mẹ thân thương” trong Cuộc thi “Viết về người phụ nữ tôi yêu” do Báo Phụ Nữ Việt Nam tổ chức năm 2011. Cũng năm này, Trung tá Mai Thắng đoạt giải Nhì Cuộc thi “Con đường vào nghề của tôi” với tác phẩm “Khi người lính nhà giàn làm báo” do Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Năm 2013, đoạt giải Nhì Cuộc thi “Sống xanh” với tác phẩm “Rau xanh trên sóng” do Báo Tuổi trẻ tổ chức.

Đặc biệt, năm 2014, anh đoạt giải Nhì báo chí quốc gia loạt bài “Khúc tưởng niệm tháng ba” thuộc Chi hội Báo Đại đoàn kết. Năm 2015, đoạt giải Ba Cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Báo Nhân Dân tổ chức với tác phẩm “25 năm dẫn đường trên biển”. Năm 2016, đoạt giải Nhì Cuộc thi phóng sự ký sự về “Đất nước con người Việt Nam” do Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức; giải Nhì Cuộc thi phóng sự ngắn “40 năm một tấm lòng” do Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức năm 2016. Trong Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao qúy” do Báo Quân đội Nhân dân tổ chức, thêm một lần nữa Trung tá Mai Thắng “đoạt” giải Nhất Cuộc thi với tác phẩm “Dì Mười 25 năm lặng thầm làm việc nghĩa”. Cũng năm này, anh Thắng đoạt giải nhất với tác phẩm ảnh “Đường băng Trường Sa” do Báo Gia Lai tổ chức.

 Trung tá Mai Thắng chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng viết, viết ở mọi lúc mọi nơi. Những tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm được viết ở nơi “đặc biệt” như trong phòng tắm, lúc chạy bộ, hoặc lúc đẩy tạ. Lúc đó, những ý tưởng hay nhất “tuôn” ra trong đầu. Tôi đều nhớ, rồi ghi lại ngay sau đó”.

Ngoài lĩnh vực báo chí, Trung tá Mai Thắng đoạt giải về thơ với tác phẩm “Màu xanh nhà giàn” của Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật năm 2015 - 2016 do Quân chủng Hải quân tổ chức, có 2 chuyện ngắn “Hai vầng trăng khuyết” (in chung tập sách “Giấc mơ sương”) và chuyện ngắn “Bám bản”. Ở lĩnh vực âm nhạc, Trung tá Thắng sáng tác bài hát “Tiếng sóng Gạc Ma” đã được đăng tải trên báo nhiều tờ báo Trung ương và địa phương. “Mặc dù, tôi không phải nhà báo chuyên nghiệp, nhưng với tôi, viết báo là niềm đam mê và coi đó là nghề lao động trí tuệ nghiêm túc. Nói cách ví von, viết báo là hơi thở, là nhựa sống của tôi hàng ngày” - Trung tá Mai Thắng nói.