Chen chúc trên cao tốc

Xã hội - Ngày đăng : 13:53, 18/03/2019

Năm 2010, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài hơn 40km, với vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được thông xe. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên được thi công tại miền Nam, góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa TP.HCM và miền Tây Nam bộ. Hiện mỗi ngày đêm có hơn 50.000 ô tô các loại qua lại trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương, tăng hơn 30% lưu lượng so với trước đây. Đáng chú ý, chỉ cần một vụ va chạm nhỏ, tuyến cao tốc này sẽ bị ùn ứ nhiều giờ liền, khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn.
(TN&MT) - Đi vào vận hành chưa được bao lâu, các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và TP.HCM – Trung Lương đã bị quá tải, xe cộ ùn ứ thường xuyên, có nguy cơ mất an toàn giao thông.
cao1
Tình trạng quá tải trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn

Với nhu cầu lưu thông lớn, một thời gian sau, Bộ GTVT tổ chức thi công tiếp tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Thông xe toàn tuyến vào đầu năm 2015, tuyến cao tốc dài khoảng 60km này đã rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi ngã ba Dầu Giây (thuộc tỉnh Đồng Nai, cửa ngõ đi Tây Nguyên) từ 3 tiếng đồng hồ xuống còn hơn một tiếng đồng hồ; từ TP.HCM đi Vũng Tàu chỉ còn chừng một tiếng rưỡi đồng hồ, giảm khoảng 20 – 30% chi phí vận tải. Ấy vậy mà chỉ chừng 2 năm sau khi đi vào vận hành, tuyến đường này thường xuyên diễn ra cảnh kẹt xe kéo dài, nhất là vào những ngày cuối tuần, hay dịp lễ, tết.

Gần đây nhất, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, người dân điều khiển hàng ngàn ô tô từ miền Bắc, miền Trung vào lại TP.HCM để làm việc, khiến cao tốc đoạn qua quận 9, quận 2 (TP.HCM) ùn ứ hết sức nghiêm trọng. Lượng ô tô, xe tải từ hướng Đồng Nai đổ về nút giao An Phú khiến các phương tiện xếp hàng dài nhiều km, nhích từng chút một.

Anh Ngọc Hưng, một tài xế chạy xe dịch vụ ở quận Bình Thạnh cho hay, công việc anh thường xuyên chở khách đi Vũng Tàu. Trước đây, khi cao tốc mới đưa vào vận hành, anh điều khiển ô tô từ TP.HCM đi Vũng Tàu chừng 2 tiếng đồng hồ. Bây giờ, khi lưu lượng ô tô trên cao tốc tăng lên rất nhiều, thời gian anh di chuyển tăng lên gấp đôi. “Bình thường thì còn đỡ, những ngày cuối tuần, tôi lái xe từ Vũng Tàu về TP.HCM, đoạn đường chừng 120km nhưng phải mất 4 - 5 tiếng mới về tới nhà. Đường cho phép chạy 120km/h nhưng xe chỉ chạy rù rì được 30 - 40km/h. Mang tiếng là cao tốc tốt nhất miền Nam, nhưng tốc độ lưu thông chỉ như trên quốc lộ” - anh Ngọc Hưng than vãn.

cao2


Thống kê của Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, so với năm 2015, lưu lượng xe của năm 2016 qua tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã vượt 36%. Từ năm 2015 đến nay, tuyến cao tốc này đã phục vụ tổng cộng gần 60 triệu lượt phương tiện lưu thông, bình quân trên 40.000 lượt phương tiện ngày/đêm. Do số lượng phương tiện lưu thông bùng nổ như vậy, việc kẹt xe trên cao tốc thường xuyên diễn ra, khiến người điều khiển ô tô vô cùng ngán ngẩm.

Theo quy hoạch, TPHCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với chiều dài khoảng 356km. Trong đó, đường vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành; các đường vành đai 3, 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đến nay TP chỉ mới đưa vào khai thác được khoảng 71km đường vành đai (vành đai 2 khoảng 55km, vành đai 3 hơn 16km), đường vành đai 4 còn đang trong quá trình chuẩn bị dự án, chưa được đầu tư xây dựng. Các chuyên gia giao thông nhận định thực trạng các tuyến đường vành đai quá ít so với nhu cầu giao thông thực tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng ở TP.HCM, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của TP.HCM, mà của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức nhận xét: “Việc các tuyến cao tốc ở Nam bộ nhanh chóng bị ùn ứ là do năng lực dự báo chưa sát, đánh giá lưu lượng xe chưa chuẩn, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao hơn thiết kế ban đầu đặt ra. Bên cạnh đó, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa, nhu cầu giao thương giữa TP.HCM với các địa phương lân cận rất lớn, kéo theo mật độ phương tiện tăng lên rất nhanh. Trong khi đó, TP mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề giao thông đô thị, còn hạ tầng đường kết nối tăng với tốc độ rất chậm, dẫn đến ùn tắc ở đường cao tốc”.