Sơn La: Tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi

Xã hội - Ngày đăng : 15:44, 15/03/2019

(TN&MT) - Sơn La đã xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi tại xã Mường É và xã Mường Bám, huyện Thuận Châu. Các biện pháp cấp bách nhằm khống chế tình hình dịch bệnh đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai.
Cán bộ thú y huyện Thuận Châu thực hiện phun tiêu độc, khử trùng khu chăn nuôi của các hộ dân.
Cán bộ thú y huyện Thuận Châu thực hiện phun tiêu độc, khử trùng khu chăn nuôi của các hộ dân

Trong đó, tại huyện Thuận Châu, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, đoàn công tác của tỉnh Sơn La và huyện đã kiểm tra trực tiếp công tác phòng, chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi tại đây. Các lực lượng chức năng đã tổ chức ngay việc khoanh vùng, phun khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại và tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh.

Tại huyện Phù Yên, ngay từ đầu tháng 3, lo ngại về tình hình dịch tả lợn Châu Phi có khả năng lây lan đến địa phương, UBND tỉnh Sơn La đã ra quyết định thành lập hai chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi và bản Bãi Đu, xã Tân Lang. Tất cả các phương tiện chở động vật, hàng nông sản lưu thông qua Quốc lộ 32b và Quốc lộ 37 đều được kiểm soát kĩ lưỡng và tiêm tiêu độc khử trùng.

Ông Tòng Văn Hải, Trưởng phòng Quản lý thuốc và thức ăn chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh Sơn La cho biết: Chốt đã kiểm soát được 15 xe đi vào địa bàn đủ điều kiện. Những xe đi vào địa bàn, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật rõ ràng, có nơi xuất phát rõ ràng thì chúng tôi vào sổ, ghi lại thông tin trong giấy kiểm dịch, phun khử trùng tiêu độc, kiểm tra lâm sàng xem có biểu hiện gì không rồi mới cho lưu thông.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp cũng tăng cường công tác xuống cơ sở chỉ đạo, vận động tuyên truyền người dân tích cực hưởng ứng các biện pháp ngăn chặn phòng ngừa dịch, chủ động nâng cao sức khỏe cho đàn vật nuôi.

Bà Đinh Thị Thạch, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Mường Cơi, huyện Phù Yên cho biết: Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch để triển khai trực tiếp đến các cơ sở bản, tổ chức mở hội nghị tại xã mời tất cả bí thư, trưởng bản đến để tuyên truyền cho bà con nắm được, chủ động chăm sóc đàn lợn, đặc biệt là một số hộ đang tái đàn.

Chị Phan Thị Tương, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên cho biết: Gia đình tôi đã được bên thú y đến tư vấn cách thức phun chuồng trại, sát trùng thường xuyên, bồi bổ cho đàn vật nuôi bằng thuốc bổ như gluco để giải nhiệt, rồi phòng bệnh bằng vắc xin. Gia đình cũng đã thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch tả lợn Châu Phi, mới đây nhất, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Chỉ thị 06 về triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Chốt kiểm dịch tại huyện Phù Yên phun khử trùng các xe vận chuyển
Chốt kiểm dịch tại huyện Phù Yên phun khử trùng các xe vận chuyển

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các huyện có biên giới với nước CHDCND Lào (Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp, Sông Mã, Vân Hồ) chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân khu vực các huyện biên giới.

Giao các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền liên tục đến người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các biện pháp xử lý, mức độ và thời gian hỗ trợ của nhà nước với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc tiêu hủy theo quy định.

Giao Sở NN&PTNT phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các địa điểm buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn người chăn nuôi, nhân viên thú y cấp xã, phường, thị trấn tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, nghi mắc bệnh hoặc sản phẩm lợn nhập khẩu trái phép phải báo cáo kịp thời và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm trước khi tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Chỉ đạo Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông Vân Hồ, các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết thì lấy mẫu xét nghiệm và xử lý theo quy định. Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt.

Chủ động bố trí kinh phí, vật tư, trang thiết bị, lực lượng và phương tiện để sẵn sàng dập dịch kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã tiếp tục thành lập 2 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời (đường sông) tại xã Quang Minh, huyện Vân Hồ và xã Mường Bang, huyện Phù Yên; 1 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời trên quốc lộ 6, tại bản Huổi Ái, xã Mường É, huyện Thuận Châu.