Hà Nội: Khẩn cấp ngăn chặn ổ dịch tả lợn Châu Phi tại quận Long Biên

Xã hội - Ngày đăng : 16:46, 06/03/2019

(TN&MT) - Thông tin từ cơ quan chức năng thành phố Hà Nội từ ngày 24/2 sau khi phát hiện dịch tả lợn Châu Phi tới nay, toàn bộ khu vực Đầm Nấm, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên luôn trong tình trạng cảnh giới nghiêm ngặt. Các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn ổ dịch tả lợn Châu Phi nhanh chóng được triển khai.
Khẩn cấp ngăn chặn ổ dịch tả lợn châu Phi tại quận Long Biên
Khẩn cấp ngăn chặn ổ dịch tả lợn châu Phi tại phường Ngọc Thụy quận Long Biên, thành phố Hà Nội

Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, có khả năng lây lan nhanh trên đàn lợn và tỷ lệ chết 100%. Bệnh không lây nhiễm từ lợn sang người, nhưng lây truyền sang chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm nhiều loại bệnh nguy hiểm như tai xanh, thương hàn,…

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường tại khu vực này cho thấy, cơ quan chức năng địa phương phối hợp với ngành Thú y đã tiến hành việc lập chốt kiểm dịch ứng trực 24/24 giờ ngay khi phát hiện dịch, đồng thời thực hiện treo biển “khu vực có dịch bệnh động vật không nhiệm vụ cấm vào”.

Bên cạnh đó, khu vực chuồng trại nuôi địa điểm phát hiện dịch bệnh đã được quây bạt kín và rải vôi bột trắng xóa. Theo thống kê của chính quyền sở tại từ đầu đợt dịch đến nay, địa phương đã rải gần 7 tấn vôi bột và phun hơn 100 kg hóa chất để tổng vệ sinh môi trường khu vực có dịch.

Khu vực chôn lấp của toàn bộ đàn lợn gồm 25 con
Khu vực chôn lấp của toàn bộ đàn lợn gồm 25 con hộ chăn nuôi tại khu vực Đầm Nấm

Ông Nguyễn Quốc Văn – Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: 14 giờ ngày 24/2/2019 Ban Thú y của phường nhận được thông tin hộ chăn nuôi của ông Nguyễn Thái Sơn – Địa chỉ Tổ 17 phường Ngọc Thụy có hiện tượng lợn ốm, bỏ ăn, lợn sốt xảy ra ở nhiều con trong đàn. UBND phường đã thành lập Tổ công tác xuống điều tra, qua xác minh UBND phường xác định tổng số 25 con lợn rừng có biểu hiện mắc bệnh dịch tả Châu Phi và đã báo cáo ngay lên các cơ quan chuyên môn là Trạm Chăn nuôi - Thú y quận Long Biên.

20 giờ ngày 24/2, các mẫu bệnh phẩm tại đây nhanh chóng được Chi Cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội và Cục Chăn nuôi - Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa đi xét nghiệm.

Ngày 25/2, sau khi phát hiện dịch, lực lượng chức năng đã thống nhất thực hiện ngay các biện pháp bao vây, cách ly khu vực chăn nuôi, khống chế toàn bộ số lợn nghi mắc bệnh. Sau khi tiến hành các thủ tục, Tổ công tác đã cho tiến hành tiêu hủy đàn lợn bằng phương pháp chôn lấp tại chỗ theo quy định.

Khu vực chuồng trại được cách ly,
Khu vực chuồng trại được cách ly, tổ chức phun tiêu độc...

Cụ thể, các cơ quan chức năng đã thực hiện việc rắc vôi bột xung quanh khuôn viên của hộ gia đình, tổ chức phun tiêu độc toàn bộ khu vực chuồng trại chăn nuôi, bố trí lực lượng lập chốt 24/24h, chia làm 3 ca trực với đủ các thành phần gồm Công an, cán bộ Thú y, Ban bảo vệ dân phố tiến hành kiểm tra, kiểm soát hạn chế người dân tiếp xúc với vùng có nguy cơ mắc bệnh...

Sau khi tiêu hủy UBND phường đã họp với các hộ chăn nuôi xung quanh địa điểm phát sinh ổ dịch tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ nắm bắt được chủ trương quy định của Nhà nước, tuyệt đối không bán chạy số lợn đang nuôi, sử dụng thức ăn viên, thức ăn đã qua chế biến dạng hạt cho lợn ăn, không sử dụng nguồn thức ăn lấy từ từ các nhà hàng, quán ăn, tổ chức vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột, thuốc sát trùng để phòng chống dịch bệnh...

Lực lượng tại chốt duy trì chế độ báo cáo thường xuyên và trực 24/24 giờ
Nhân lực, phương tiện tại chốt duy trì chế độ thường xuyên ứng trực 24/24 giờ

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Văn cho đến nay tại khu vực Đầm Nấm, phường Ngọc Thụy, kết quả từ các mẫu lợn xét nghiệm của các cơ quan chuyên môn ghi nhận khu vực xung quanh đều an toàn, không phát sinh lợn bệnh trên địa bàn.

Qua tìm hiểu, được biết tính đến ngày 6/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại các hộ chăn nuôi thuộc 8 tỉnh, thành, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương và Hòa Bình. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn đã có tổng cộng 8 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi, điều này cho thấy tốc độ lây lan của bệnh dịch này rất nhanh.