Đại Lộc (Quảng Nam): Hồ chứa nước Trà Cân vẫn đảm bảo an toàn

Xã hội - Ngày đăng : 08:49, 16/08/2018

(TN&MT) - Đó là khẳng định của một số chuyên gia đầu ngành cũng như kết quả đo đạc kiểm tra hiện trường mới đây của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Nam về độ an toàn của hồ chứa nước Trà Cân (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc).
Dự án trang trại chăn nuôi có điểm gần nhất so với chân hồ chứa nước Trà Cân là 300m, nằm ngoài hành lang an toàn hồ đập
Dự án trang trại chăn nuôi có điểm gần nhất so với chân hồ chứa nước Trà Cân là 300m, nằm ngoài hành lang an toàn hồ đập
 

Kiểm tra thực địa tại hiện trường

Gần đây, dư luận có thông tin về nguy cơ dễ gây mất an toàn cho hồ chứa nước Trà Cân, do ảnh hưởng của việc khai thác đất san lấp thực hiện Dự án (DA) trang trại chăn nuôi nông - lâm nghiệp kết hợp của Công ty TNHH MTV khoáng sản Hưng Lộc Phát đóng tại thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Để có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của UBND huyện Đại Lộc tại Báo cáo số 168/BC-UBND ngày 29/6/2018, về tình hình hoạt động khai thác đất san lấp dư thừa trong lúc xây dựng công trình và đá tảng lăn trong quá trình thực hiện dự án trang trại chăn nuôi nông - lâm nghiệp kết hợp của Công ty Hưng Lộc Phát; ngày 24/7, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Nam chủ trì, đã tiến hành kiểm tra thực địa tại hiện trường và làm việc với lãnh đạo địa phương.

Khu vực khai thác đất san lấp, xây dựng công trình và đá tảng lăn nằm trong DA trang trại chăn nuôi nông - lâm nghiệp kết hợp có diện tích 40.786m2, cos khai thác theo thiết kế của DA, trữ lượng khai thác nguyên khối là 138.338m3 đất, đá; công suất khai thác 75.000m3/năm; thời gian thực hiện là 21 tháng; đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) trang trại chăn nuôi nông - lâm nghiệp kết hợp tại Quyết định số 3402/QĐ-UBND ngày 28/9/2016.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp- đơn vị quản lý và khai thác hồ Trà Cân nêu ý kiến, hồ chứa nước Trà Cân nằm ở độ cao 100m so với mực nước biển, là nơi cung cấp nước tiêu phục vụ sản xuất cũng như nước sinh hoạt cho các hộ dân ở thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp. Trong thời gian qua, nhân dân có ý kiến cho rằng việc khai thác đất san lấp, xây dựng công trình trong DA trang trại đã gây bồi lấp đến khe nước và ảnh hưởng đến chân hồ chứa nước Trà Cân. Hiện nay, Công ty đã khắc phục việc đất tràn xuống suối thoát lũ. Do đó, đề nghị các cơ quan cấp thẩm quyền xem xét có ý kiến chính thức về độ an toàn của quá trình khai thác đất đối với hồ chứa nước Trà Cân để người dân địa phương được yên tâm.

Nằm ngoài hành lang an toàn hồ đập

Theo kết quả kiểm tra thực địa, tại thời điểm kiểm tra, Công ty không có hoạt động khai thác đất san lấp. Công ty khai thác có phân tầng nhưng không phù hợp, có vị trí còn để vách đứng. Công ty đã khai thác trong diện tích được cấp phép và có một phần diện tích ngoài ranh giới được cấp phép khoảng 3.000m2.

Dự án trang trại nên quá trình cải tạo mặt bằng ở cos âm không sâu, không gây ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa nước
Dự án trang trại nên quá trình cải tạo mặt bằng ở cos âm không sâu, không gây ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa nước
 

Trong khu vực 3.000m2 ngoài ranh giới, Công ty mới sử dụng xe múc lấy đá gom lại, chưa thực hiện khai thác. Sau khi UBND huyện Đại Lộc phát hiện, Công ty đã gia cố bằng đá tảng khoảng 100m phía bờ suối và trồng cây xanh trên toàn phần diện tích này.

Về khoảng cách hồ chứa nước Trà Cân với khu vực khai thác đất san lấp, qua kiểm tra và đo bằng máy định vị GPS cầm tay (sử dụng tọa độ VN2000, kính tuyến trục 107045’, múi chiếu 30 ), tại vị trí chân đập đống đá tiêu nước của đập chính về phía hạ lưu có tọa độ X(m): 1762282,00 Y(m): 539072,00 đến điểm gần nhất điểm mốc giới số 2 của khu vực khai thác đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác có tọa độ X(m): 1762014,28; Y(m): 539214,02.

Từ kết quả đo, giữa 2 tọa độ cho thấy khoảng cách từ điểm mốc giới gần nhất của khu vực được cấp phép khai thác đến chân hồ chứa nước Trà Cân là 300m.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam phân tích, tại Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 18/6/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam quy định tại điều 4, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi: Hồ chứa nước quy định kỹ thuật quốc gia - QCVN 04-05:2011-BNNPTNT, chiều cao đập H=15m, loại nền đất cát, đất cồn khô, đất sét ở trạng thái cứng (B) cấp công trình cấp III, thì phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập trở ra tối thiểu là 100m, phạm vi tuyệt đối không được xâm phạm là 40m sát chân đập.

Như vậy, khu vực khai thác đất san lấp, xây dựng công trình, đá tảng lăn và DA trang trại có khoảng cách đo được tại điểm mốc gần chân đập nhất là 300m, không nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Phần diện tích nằm ngoài ranh giới cấp phép, Công ty mới lấy đá, chưa khai thác và đến nay đã trồng lại cây xanh toàn bộ khu vực này
Phần diện tích nằm ngoài ranh giới cấp phép, Công ty mới lấy đá, chưa khai thác và đến nay đã trồng lại cây xanh toàn bộ khu vực này
 

Hồ chứa nước Trà Cân vẫn đảm bảo an toàn

Về vấn đề này, một số chuyên gia đầu ngành phân tích, hồ chứa nước Trà Cân có diện tích lưu vực của hồ 4km2, dung tích hồ 2,11 triệu m3 (cấp IV), được xây dựng vào năm 1983, cao trình đỉnh đập 119,2m, chiều cao đập lớn nhất: H=15m (đập cấp III theo tiêu chí phân loại đập quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP). Việc đánh giá mức độ an toàn, ảnh hưởng đến công trình thủy lợi nói chung và hồ chứa nước Trà Cân nói riêng, phải được thực hiện bằng công tác đo đạc, tính toán thực tế, chứ không thể dự đoán bằng trực giác mắt thường được.

“Để thực hiện lập một DA phải thực hiện rất nhiều công đoạn, thông qua các sở ban, ngành và cuối cùng mới được UBND tỉnh phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, do DA nằm gần hồ chứa nước nên khi hồ sơ kỹ thuật đã được các kỹ sư chuyên ngành kiểm tra, khống chế mốc giới và tính toán rất cẩn thận về cos thiết kế cũng như mức độ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa khi thực hiện thi công DA. Mặc khác, đây là DA trang trại chăn nuôi, không phải là mỏ đất hay mỏ đá, nên việc cải tạo mặt bằng, hạ cos sẽ không sâu nên khó có thể ảnh hưởng đến chân hồ chứa trong tương lai”- một chuyên gia phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, trong quá trình thi công, cần tuân thủ đúng thiết kế của DA cũng như phạm vị mốc giới được cấp phép, tránh gây ra những ảnh hưởng ngoài tính toán khi lập DA. Đặc biệt lưu ý, không để đất, đá trong lúc thi công trôi chảy gây ách tắc dòng chảy của suối, gây sạt lở bờ suối, ảnh hưởng đến chân hồ.

Ông Nguyễn Văn H, là người dân lớn tuổi tại địa phương chia sẻ, gia đình ông gắn bó với vùng đất này từ mấy đời, cùng là người địa phương, thấy gia đình chú Xuân xin được dự án làm trang trại trong khu đất đang canh tác, bản thân ông cũng như mọi người dân nơi đây đều mừng cho chú ấy. Theo thông tin của một số người làm mỏ cho rằng, việc thi công trang trại của ông Xuân có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa nước Trà Cân, điều này, làm cho người dân địa phương chúng tôi rất lo ngại. Đến nay, sau khi có kết quả đo thực tế của đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy phạm vị thi công Dự án trang trại chăn nuôi của ông Xuân nằm ngoài phạm vi an toàn hồ đập theo quy định, nghe vậy người dân địa phương chúng tôi đã an lòng.   

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Thanh Xuân, chủ dự án trang trại chia sẻ, từ khi được UBND tỉnh cấp phép, Công ty đã thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khối lượng phần đất, đá được phép tận thu, đầu tư máy móc, thiết bị và đã thực hiện khai thác được 51.812 m3 . Công ty đã thi công đường bê tông giáp với QL14B, thường xuyên phun nước để giảm bụi, riêng khối lượng đá tảng lăn Công ty đã thu gom về bãi tập kết trong khu vực.

Ông Xuân rất mong được UBND tỉnh Quảng Nam, các cấp, ngành liên quan và địa phương tạo điều kiện để được tiếp tục thực hiện hoàn thành DA đã được phê duyệt, để sớm hoàn thành trang trại đưa vào hoạt động.