TP.HCM: Giải pháp nào cho tình trạng lấn chiếm kênh rạch

Xã hội - Ngày đăng : 23:29, 22/06/2018

(TN&MT) - Từ những năm 2000 đến nay, TP.HCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cải tạo kênh rạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời chỉnh trang đô thị ngày một sáng sủa hơn. Các hành lang bờ sông, kênh, rạch xuất hiện nhiều mảng xanh, không khí trong lành, môi trường sống được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, với  mục đích là xây dựng công trình nhà ở, vẫn đang diễn ra dai dẳng ở nhiều quận huyện, gây bức xúc trong dư luận.
rach 1
Nhiều hộ dân ở quận 8 xây nhà tạm bợ trên kênh Đôi để sinh sống

Sông lở

Mùa mưa này, trở lại khu vực cuối đường số 7 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), chúng tôi cũng không khỏi giật mình khi chứng kiến hiện trường vụ sạt lở hồi tháng 7/2015 còn y nguyên. Những hộ dân nơi đây chưa hết kinh hãi khi nhớ lại cảnh 2 căn nhà cùng 3 người lọt xuống lòng sông Sài Gòn giữa đêm do vụ sạt lở này gây ra. Vụ sạt lở đã làm đoạn bờ kè có diện tích khoảng 2.000m2 bị nhấn chìm, 2 căn nhà cùng nhiều tài sản bị nước cuốn phăng xuống sông Sài Gòn.

Ngoài hậu quả trên, vụ sạt lở còn làm 4 căn nhà khác sát bên bị ảnh hưởng, khiến chính quyền địa phương phải di dời những người sống bên trong đến nơi ở tạm trong khi chờ khắc phục. Cũng ghi nhận trên địa bàn quận Thủ Đức, ven sông Sài Gòn đoạn qua 2 phường Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh, nhiều vị trí nền đất bị lở hàm ếch nghiêm trọng nhưng vẫn còn hàng chục hộ dân bám trụ để sinh sống và kinh doanh. Tại khu vực cuối đường số 23, 18… (phường Hiệp Bình Chánh), hàng loạt quán ăn, cà phê được xây dựng sát mép sông Sài Gòn. 

Dọc 2 bên bờ sông Sài Gòn hướng về phía thượng nguồn, nhiều nơi nguy cơ sạt lở rất cao mỗi khi triều cường hay mưa lớn, nhất là khu vực các xã Bình Mỹ, An Phú, Trung An, Hòa Phú (huyện Củ Chi). Tại các xã này hiện tượng hàm ếch kèm nguy cơ sạt lở kéo dài trên 13.000m dọc bờ sông. Theo lời của người dân ấp 1, xã Bình Mỹ, thời gian qua hiện tượng đê bao bị sạt lở xuống sông vài chục mét là chuyện thường thấy. Còn tại khu vực cầu Giồng Ông Tố (nối hai phường An Phú và Bình Trưng Tây, quận 2), hai bên nhà dân đã trơ ra thành hàm ếch, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Nhưng nguy hiểm nhất là mỗi khi vào mùa mưa, dòng chảy đảo chiều, ăn sâu vào đất liền, nhà cửa hai bên sông là “mồi ngon” của “hà bá”.

Mặc dù chính quyền địa phương đã hỗ trợ một ít tiền để người dân đóng cọc, đắp bờ nhưng nhiều ngôi nhà của cư dân địa phương vẫn tiếp tục bị nước ăn sâu. Cũng tại quận 2, khu vực bờ trái sông Sài Gòn khu vực đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, dọc bờ sông có nhiều nhà cao tầng nằm cách bờ sông 15 - 20m, thậm chí có nhiều ngôi nhà xây sát mép sông nhưng hệ thống bờ kè chủ yếu là hệ thống tường rào do người dân xây dựng. Do việc thi công không đúng quy cách, trong khi khu vực này có nhiều tàu bè qua lại tạo ra sóng lớn, rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở nặng nề.
 

rach2


Khó khăn công tác giải tỏa

Tại TP.HCM, hiện các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, tình trạng lấn chiếm kênh, rạch để thi công chung cư, nhà ở… như “nấm mọc sau mưa”. Đơn cử như vào năm 2012, rạch Đuôi Trâu đoạn qua phường Tân Tạo (quận Bình Tân) có bề ngang 6,5m thì đến nay diện tích đã bị thu hẹp đi rất nhiều do người dân lấn chiếm hai bên rạch để xây cất nhà cửa. Hay rạch Bần Đôn đoạn qua địa bàn phường Bình Thuận (quận 7) là con rạch lớn, chiều rộng ban đầu đến 100m nhưng đến nay có chỗ chỉ còn khoảng 50m vì bị người dân hai bên đổ đất lấn chiếm.

Ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, tại những dòng kênh Đôi - kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Lò Gốm, kênh Ông Bé, Xóm Củi, Ruột Ngựa thuộc địa bàn các quận 4, quận 7 và quận 8 hiện nay, hàng ngàn hộ dân vẫn đang sinh sống trong các khu “ổ chuột”. Mọi chất thải sinh hoạt đều được thải trực tiếp xuống kênh. Riêng tại kênh Đôi - kênh Tẻ, có đến gần 5.300 căn nhà lụp xụp với khoảng 32.000 nhân khẩu đang sinh sống.

Đáng nói nhất là hiện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang ở trong tình trạng ngập nước bất kể lúc nào, nếu trên địa bàn quận Tân Bình xảy ra mưa lớn, do kênh A41 tiêu thoát nước rất hạn chế. Dài khoảng 2km, kênh A41 xuất phát từ đoạn cống hộp gần 400m trong sân bay Tân Sơn Nhất trước khi thoát ra con kênh hở bên ngoài gần góc đường Phan Thúc Duyện. Đoạn kênh hở này len lỏi giữa các khu dân cư hướng về đường Cộng Hòa trước khi chảy qua cống ngầm để ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Đây là con kênh có nhiệm vụ tiêu thoát 50% nước của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng kênh A41 đang bị tắt nghẽn bởi rác, xà bần và tình trạng xây dựng công trình lấn chiếm kênh. Từ năm 2016 đến nay, nhiều đoạn kênh bị tắt dòng chảy do rác vây quanh, nhất là ở những khu vực cống rác thải dày đặc. Dòng kênh đang bị lấn chiếm bởi công trình xây dựng của người dân khiến nhiều đoạn kênh chỉ còn rộng chưa tới 1m.

Trong thực tế, những năm qua TP.HCM đã áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục hậu quả của việc lấn chiếm kênh rạch. Trong Quyết định số 150, năm 2004, UBND TP.HCM đã quy định rất rõ về việc quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TP. Quyết định này cũng đã phân rõ trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm về lấn chiếm kênh, rạch. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng các dòng kênh cứ “chết” dần.

Chính vì vậy, chỉ tính riêng trong hai tháng 5 và 6/2018, đã có gần 10 trận ngập nghiêm trọng trên địa bàn TP. Thường là vào chiều tối, nhiều cơn mưa lớn diễn ra xối xả, khiến nhiều khu vực TP ngập sâu trong nước và kéo dài nhiều giờ, làm đảo lộn mọi sinh hoạt hằng ngày của người dân, việc đi lại rất khó khăn vào giờ tan tầm. Trong đó, nhiều tuyến đường bị ngập sâu như: Hồ Học Lãm (quận Bình Tân); Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Lê Ðức Thọ (quận Gò Vấp); Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Ðức); Ðỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai (quận 9)…

Trở lại với việc người dân lấn sông, rạch để xây dựng nhà cửa trong thời gian qua, để di dời, tái định cư, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người là rất khó khăn, là thách thức không nhỏ cho các cấp chính quyền của TPHCM. Trong khi đó, hầu hết nhà, đất mà các hộ này đang sử dụng không có giấy tờ hợp pháp nên việc áp giá đền bù giải tỏa sẽ thấp, không đủ để mua một căn nhà mới. Chỉ riêng ở quận 8, UBND quận dự toán kinh phí để di dời, giải tỏa các hộ dân sống trên và ven kênh, rạch tốn khoảng gần 14.000 tỷ đồng.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, số lượng nhà “ổ chuột” trên và ven kênh, rạch trên địa bàn TP hiện nay là gần 17.000 căn. Khó khăn trong việc giải tỏa các căn nhà ven kênh, rạch là người dân không đồng thuận với chính sách đền bù, tái định cư của TP. Việc bố trí địa điểm tái định cư cho các hộ dân này cũng gặp khó khăn bởi quỹ đất của TP còn hạn chế, trong khi hầu hết người dân muốn sinh sống gần nơi họ đã gắn bó bấy lâu nay.