Làm báo thời đại công nghệ số: Cần tỉnh táo và bản lĩnh
Xã hội - Ngày đăng : 15:46, 21/06/2018
Mạng xã hội con dao 2 lưỡi
Theo số liệu thống kê chỉ tính riêng mạng xã hội Facebook đã thu hút 1,86 tỷ thành viên, trong đó có tới 1,2 tỷ người dùng tích cực mỗi ngày. Có nghĩa, cứ 7 người trên Trái đất, có gần 2 người sử dụng facebook hằng tháng... Hiện, có tới 96% người làm báo Việt Nam đang sở hữu tài khoản Facebook. Trong số đó, có những Nhà báo đang sử dụng Facebook như: Một công cụ để tham gia các phong trào xã hội, giải trí, giãi bày tình cảm, chia sẻ những bài báo của mình. Facebook thực sự là một phương tiện hỗ trợ đắc lực trong việc phổ biến tác phẩm, giúp tăng lượng view đáng kể.
Lợi thế vượt trội của mạng xã hội là có thể đăng tải thông tin, video clip ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ và ai cũng có thể trở thành Phóng viên, Biên tập viên, Bình luận viên. Thông tin đa chiều, ngay lập tức. Trong khi đó phóng viên báo không thể tiếp cận ngay nhiều sự việc lúc đang diễn ra, trừ một số rất hiếm hoi sự việc diễn ra vô tình có sự chứng kiến của phóng viên hay cộng tác viên của cơ quan báo chí nào đó. Có thể nói, rất nhiều thông tin trên mạng xã hội là nguồn tin vô giá đối với báo chí.
Thế nhưng, cũng từ đó, nảy sinh tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Xuất hiện nhiều phóng viên “salon”, ngày ngày lướt Facebook (chủ yếu của những người nổi tiếng) để lấy thông tin rồi viết thành tin, bài. Những thông tin này rất hút bạn đọc (mà giờ gọi là câu view), bởi thường liên quan đến người nổi tiếng hoặc giật gân câu khách! Họ cóp nguyên thông tin trên mạng xã hội để chế thành bài báo, mà chưa kịp kiểm chứng khiến thông tin sai khác với bản chất của vấn đề. Họ quên đi rằng, thông tin trên một tờ báo khác thông tin trên mạng xã hội ở chỗ nó có tính xác thực và có định hướng. Nhà báo phải dùng các mối quan hệ, kinh nghiệm, nghiệp vụ để lọc tin, xác tín thông tin chuẩn. Điều này dẫn dến tỷ lệ sai sót trên ấn phẩm báo điện tử cao; sự chăm chút cho từng câu, từng chữ, từng bài báo ngày càng giảm sút so với trước.
Trước tác động của mạng xã hội, nhiều nơi như: Reuters, BBC, CNN, AFP… đã có những quy định rõ ràng về cách mà các thành viên của họ sử dụng mạng xã hội. Họ yêu cầu phóng viên hạn chế tham gia thể hiện quan điểm trong các vấn đề tranh cãi trên diễn đàn. Không đăng tải những tài liệu, thông tin mà phóng viên đang trong quá trình xử lý, theo dõi, và chưa sử dụng cho các sản phẩm của tòa soạn. Mọi thông tin trao đổi về đề tài, nhân vật, số liệu… đều thuộc hàng bí mật, hạn chế chia sẻ ra bên ngoài. Sử dụng nguồn tin, hình ảnh trên mạng xã hội cho sản phẩm báo chí không nên vì nhanh mà bỏ qua yêu cầu chính xác. Tất cả đều bắt buộc trải qua các bước kiểm chứng cẩn thận.
Hiểm nguy phải đối mặt trong thời đại số
Mạng xã hội có ưu thế cực kỳ lớn trong việc cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ và lan tỏa. Thế nhưng, việc sử dụng mạng này nếu thiếu kỹ năng về an toàn ký thuật số, Nhà báo sẽ đối mặt với nhiều hiểm nguy.
Các máy tính và điện thoại di động của người dùng ở Việt Nam - trong đó, có nhiều phóng viên, nhà báo - rất dễ dàng bị hacker tấn công, xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát. Theo ông Ngô Văn Tráng (Giám đốc Công nghệ Nội dung, Công ty CP VCCorp), báo chí chính là đối tượng bị tấn công nhiều nhất trong môi trường số ở Việt Nam. Nhiều trang thông tin, báo chí ở Việt Nam đã từng bị tấn công, chiếm quyền kiểm soát bằng cách tấn công đội ngũ Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn qua gửi mã độc, âm thầm chiếm hệ thống quản trị nội dung… Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, đã có 1.500 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam, còn năm 2017 là gần 13.000 cuộc tấn công. Vì vậy, vấn đề an toàn tác nghiệp trong môi trường số trở nên ngày càng quan trọng. Trong khi thế giới đã có rất nhiều tổ chức, trường đào tạo báo chí, các tổ chức xã hội về báo chí nghiên cứu sâu và có chương trình, hành động cụ thể để tăng cường an toàn tác nghiệp báo chí ở Việt Nam, câu chuyện an toàn tác nghiệp báo chí vẫn chưa được đặt ra một cách toàn diện.
Tại Hội thảo “An toàn số cho nhà báo” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây, các đại biểu đã đưa ra 12 vấn đề an toàn số với nhà báo. Trong đó, Nhà báo phải đối mặt với việc có thể bị giám sát; bị khai thác phần cứng và phần mềm; tấn công lừa đảo; tấn công bằng tên miền giả mạo. Cùng lúc, họ cũng có thể bị xâm phạm tài khoản của người sử dụng; hăm dọa, quấy rối online; bôi nhọ và xóa thông tin; chiếm đoạt các sản phẩm báo chí; vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền ngày càng tăng…
Vấn đề đặt ra là trước những nguy cơ ảnh hưởng khi hoạt động trong môi trường số, các Nhà báo cần phải trang bị những kỹ năng cho mình như bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại, bảo vệ thông tin khỏi các mối đe dọa, tạo và duy trì mật khẩu an toàn, bảo vệ tập tin nhạy cảm trên máy. Các nhà báo cần biết cách khôi phục thông tin bị mất, bảo vệ bản thân và dữ liệu khi sử dụng các trang mạng xã hội, sử dụng điện thoại di động an toàn…
Bàn về giải pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động trong môi trường số, các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến cáo, các Phóng viên, Nhà báo tuyệt đối không nên cài đặt và sử dụng các phần mềm lạ, không an toàn. Cùng với đó, người dùng nên đặt mật khẩu cho những tài liệu quan trọng khi lưu trữ. Đồng thời, cơ quan có chức năng cần đưa ra những tài liệu hướng dẫn, cảnh báo để Nhà báo tránh được những nguy cơ đe dọa an toàn trong môi trường số. Bên cạnh đó, cần có thêm các nghiên cứu sâu về vấn đề này.