Gặp gỡ người du kích của đoàn quân Tây Tiến
Xã hội - Ngày đăng : 05:35, 29/12/2017
Theo chân cán bộ văn phòng huyện Mường Lát, chúng tôi đã được gặp những người lính du kích Tây Tiến anh dũng thủa nào. Cụ Lương Chí Ành (bản Poọng, xã Tam Chung, nay là khu phố 1, thị trấn Mường Lát). Tuy tuổi bát tuần, sức khỏe đã giảm sút, tay chân mới năm nào còn băng rừng, bạt núi chinh phục rừng sâu nay đã không còn nhanh nhẹn. Ấy vậy, nhưng khi cụ kể về ký ức hào hùng năm xưa thì vẫn còn dâng trào những cảm xúc khó phai.
Năm 13 tuổi, cụ Lương Chí Ành bắt đầu tham gia cách mạng, hoạt động du kích và giao liên cho đoàn quân Tây Tiến, lúc bấy giờ cụ là người ít tuổi nhất tham gia hoạt động du kích. Mường Lát thời điểm đó, có rất ít bản người Thái sinh sống rải rác ở lừng chừng núi và dọc sông Mã, đói ăn, đói muối, sốt rét rừng hành hạ.
Năm 1947, thực dân Pháp đổ bộ đánh chiếm và cho xây dựng nhiều đồn bốt, ra sức bóc lột, uy hiếp nhân dân. Trung đoàn bị giặc Pháp và đám tay sai lùng sục, bắt bớ nên phải chia ra ở khắp các cánh rừng trong vùng. Vậy nên việc liên lạc, kết nối giữa rừng núi đầy hiểm trở này lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Từ đó, đội du kích Tây Tiến được ra đời với chừng 30 người.
Cụ Ành là người ít tuổi nhất, dáng nhỏ nhưng nhanh nhẹn như con sóc rừng nên được giao nhiệm vụ thám tính, nghe ngóng thông tin. Lúc đó, giặc Pháp và đám tay sai thường càn quét từ Mường Xôi (tỉnh Hủa Phăn, Lào) đến Pá Hộc (xã Tam Chung, Mường Lát) để lùng sục, truy tìm cán bộ, bộ đội. Tôi nhỏ tuổi lại là người dân bản nên bọn chúng không hề nghi ngờ, thậm chí, nhiều bản người Mông, người Thái tôi cũng thường xuyên thám thính xem có khả nghi hoặc bất kỳ động tĩnh gì, về báo cho các chú bộ đội.
Vì bộ đội đóng quân, dựng lán trại trong rừng sâu để tránh bị phát hiện nên ngoài nhiệm vụ giao liên, thông tin liên lạc, nắm bắt tình hình, cụ Ành và đồng đội còn có nhiệm vụ tới các bản kêu gọi người dân góp lương thực nuôi bộ đội.
Là người địa phương nên dọc các tuyến đường, kể cả đường rừng, ông Ành cũng thuộc như lòng bàn tay, biết rõ nơi nào nguy hiểm, đường nào an toàn, nên rất được bộ đội tin tưởng. Ông và các anh em khác trong đội du kích còn mang muối, gạo, thuốc men, súng đạn, luôn đảm bảo mọi thông tin nhanh nhất có thể cho cán bộ và bộ đội. Thậm chí, chúng tôi còn chăm sóc người bệnh, tìm cây thuốc cho bộ đội. Còn các anh, các chú bộ đội lại dạy chúng tôi học con chữ, dạy sự bản lĩnh, tinh thần anh dũng, quả cảm, yêu nước, cũng nhờ đó, tôi cùng nhiều anh em khác trong đội du kích Tây Tiến trưởng thành hơn.
Ngày đó, Trung đoàn Tây Tiến đóng quân trên đất Mường Lát hoạt động rộng khắp huyện và sang cả nước bạn Lào. Năm 1949, sau khi đánh tan giặc Pháp và đám tay sai, bộ đội còn dẹp yên cả lũ phỉ và còn đánh cả đồn giặc bên nước bạn Lào.
Ngoài cụ Ành, ở bản Sim, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát còn có cụ Lương Văn Pém (sinh năm 1930), sang năm nay sức khỏe cụ đã rất yếu. Trong thời gian hoạt động trong đội du kích Tây Tiến nhờ hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao mà cụ Pém đã vinh dự và tự hào được gặp Bác Hồ và được Bác tặng quà. Với cụ Pém những kỷ niệm ấy, kỷ vật ấy là báu vật của cuộc đời mình.
Sau khi rời đội du kích Tây Tiến, nhờ trưởng thành về mặt tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng cụ Ành, cụ Pém tiếp tục cống hiến không biết mệt mỏi cho đồng dân bản, là những già làng, trưởng bản uy tín ở địa phương và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Đây không chỉ là niềm vinh dự lớn lao đối với cụ mà còn là tấm gương, là bài học về tinh thần yêu nước sâu sắc tới con cháu và những thế hệ tiếp nối noi theo.