Biển xâm thực, dân phải sống chung với nghĩa địa

Xã hội - Ngày đăng : 14:55, 27/12/2017

(TN&MT) - Ăn uống, nghỉ ngơi hay sinh hoạt đều diễn ra bên cạnh những nấm mồ. Nỗi lo về đất canh tác, đất ở, nước sinh hoạt... đang ngày một đè nặng lên người dân miền biển. Đó là những gì đã và đang diễn ra hàng chục năm nay với hàng trăm người dân ở thôn Hải Thành và một số thôn khác thuộc Thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Những ngôi nhà lụp xụp xen lẫn các ngôi mộ
Những ngôi nhà lụp xụp xen lẫn các ngôi mộ

Sống chung với “cõi âm”

Đi dọc theo con đường quốc lộ 49B đến thị trấn Thuận An, thật rợn người khi bắt gặp cảnh đường bùn lầy lội, cỏ dại mọc um tùm với nhiều ngôi nhà san sát nghĩa địa. Thời tiết vào mùa mưa làm cho nơi đây vốn đã đìu hiu lại thêm lếch thếch và ô nhiễm. Mùi tử khí của các nấm mồ mới chôn, mùi rác thải sinh hoạt và mùi phân động vật của gà, chó, mèo... được nuôi xung quanh quyện lại với nhau khiến cho chúng tôi có một cảm giác ngột ngạt khó thở. Ở đây, nhà cửa người sống xen lẫn vào các ngôi nhà bị hư hỏng, hoang phế và những nấm mồ tạo nên một cảnh tượng hết sức hỗn độn.

Khu nghĩa địa Hải Thành (thị trấn Thuận An) rộng khoảng hơn 7ha, có hàng chục ngôi nhà chen chúc cùng những ngôi mộ. Anh Nguyễn Viết Bằng - thôn Hải Thành cho biết:  “Lúc trước chỗ ni rộng lắm, không có ai ở mô, chỉ có mấy hộ đây thôi. Không biết sao sau ni mới có nhiều người chuyển đến đây ở...”.

Được biết, cơn lũ lịch sử năm 1999 đã khiến biển lấn sâu vào đất liền hàng trăm mét và cướp đi hàng chục héc-ta đất của người dân thị trấn Thuận An. Đất và nhà bị mất, nhiều hộ đã phải dọn đến nghĩa trang Âm Linh để dựng nhà chung sống với người đã khuất.

Một quán cà phê kết hợp karaoke khá kiên cố trong khu nghĩa địa
Một quán cà phê kết hợp karaoke khá kiên cố trong khu nghĩa địa

Chị Nguyễn Thị Hạnh - một thành viên của xóm Hải Thành chia sẻ: “Cùng cực lắm chúng tôi mới phải kéo nhau ra đây ở, chứ ai muốn sống như ri mô. Mấy chục năm trước lũ tràn về cuốn theo nhà cửa, ruộng vườn, tài sản. Mất hết mà chẳng có nơi để ở, nên cả gia đình phải kéo nhau vô đây...’’.

Nhìn từ xa rất khó phân biệt đâu là nhà, đâu là các lăng mộ. Nhiều ngôi mộ nằm bên hông, thậm chí “át” ngay trước mặt nhiều hộ dân. Tại đây cũng có nhiều ngôi nhà kiên cố có hộ khẩu đàng hoàng, tuy nhiên có nhiều ngôi nhà chỉ là các chòi tạm bợ được cố định bằng một vài mảnh tôn cũ kỹ của người ngụ cư.

Không chỉ ở thôn Hải Thành mà các thôn khác như Hải Tiến, An Hải, Hải Bình, Minh Hải... cũng không ít tình trạng này. Nhà nào nhà nấy đua nhau xây lăng mô và có nhiều trường hợp các hộ dân xây dựng lăng mộ trước để “xí” phần cho người chưa chết. Đặc biệt, ở nhiều nơi còn mọc lên các tụ điểm kinh doanh; từ cà phê, ăn uống, thậm chí cả karaoke cũng được mở ra phục vụ cho cư dân ở đây.

Quán ăn được mở sát cạnh các ngôi mộ
Quán ăn được mở sát cạnh các ngôi mộ

Ô nhiễm nguồn nước

Xóm nghĩa địa này tồn tại hàng chục năm, nhưng hầu hết các điều kiện sinh hoạt như điện, nước vẫn đang còn rất thiếu thốn, hạn hẹp. Điều đáng nói là hàng chục hộ dân sống trong nghĩa trang Âm Linh đều không có nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn.

Là vùng đất giáp với biển Thuận An, nên nguồn nước của cư dân nơi đây thường xuyên nhiễm mặn và nhiễm phèn. Trong nhiều năm qua, người dân nơi đây phải sống chung với tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo, ô nhiễm môi trường trong khu nghĩa địa. Mặc dù tỉnh đã đầu tư hệ thống nước sạch chảy về tận các thôn, nhưng những hộ dân trong khu nghĩa địa vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Bởi, khu nghĩa địa nằm xa hệ thống nước, kinh tế của người dân khó khăn...

Trong khi đó, dân cư ở đây chủ là các hộ dân nghèo, trình độ dân trí thấp trong khi đất canh tác ngày càng bị thu hẹp nên người dân lại phải ra biển để mưu sinh. Đàn ông thì chài lưới, phụ nữ với trẻ em thì nhặt ve chai, lên thành phố bán vé số để kiếm sống. Nhiều người phải xa gia đình vào Nam...

Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn...
Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn...


Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Đủ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, tại khu nghĩa trang ở tổ dân phố Hải Thành có khoảng 30 hộ dân sinh sống xung quanh các ngôi mộ. Mặc dù các hộ dân sống ở khu nghĩa địa đã lâu nhưng theo đánh giá của chúng tôi thì môi trường ở đây không đảm bảo vệ sinh để đảm đảm cuộc sống tối thiểu của người dân.

“Hiện nay, khu nghĩa trang này đã được quy hoạch, giải tỏa làm khu dịch vụ du lịch thương mại, đã chi trả tiền bồi thường cho 62 hộ dân có phần mộ ở đây và họ đã đồng ý chủ trương này. Còn những hộ dân dựng nhà sống trong nghĩa trang, chính quyền sẻ có kế hoạch di dời, bố trí đất tái định cư để người dân ổn định cuộc sống...”, ông Đủ thông tin.