Hầm Hải Vân nứt chằng chịt, Bộ Giao thông vận tải phải về kiểm tra

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 26/10/2017

(TN&MT) - Hầm Hải Vân (nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng) trong thời gian qua xuất hiện hàng loạt vết nứt to, nhỏ... khiến người dân vô cùng lo lắng. Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã trực tiếp về hiện trường để kiểm tra...
Hầm đường bộ Hải Vân đang bị nứt
Hầm đường bộ Hải Vân đang bị nứt

Theo tìm hiểu, hầm Hải Vân nằm trên Quốc lộ 1A nối liền tỉnh Thừa Thiên Huế với TP. Đà Nẵng, có chiều dài 6,28 km. Hầm được khởi công xây dựng vào ngày 27/8/2000 và khánh thành vào ngày 5/6/2005 với tổng chi phí là 127.357.000 USD...

Hàng loạt vết nứt xuất hiện

Trong những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về việc 2 bên thành hầm 2 của hầm Hải Vân 1 (hầm Hải Vân đang khai thác hiện nay) xuất hiện nhiều vết nứt to, nhỏ và bong tróc khiến nhiều tài xế đi qua hầm thấy hoang mang, lo lắng về độ an toàn.

Theo quan sát của PV tại hiện trường, tài xế và hành khách qua lại đều có thể thấy rõ các vết nứt loang lổ, chi chít chạy dài hai bên thành hầm. Chúng có tiết diện chủ yếu dưới 1 mm. Quan sát bằng mắt thường, các vết nứt này khá nghiêm trọng.

Các vết nứt xuất hiện nhiều nhất là đầu phía Nam hầm (được Ban quản lý hầm Hải Vân đánh số, trát thạch cao để theo dõi), cách miệng hầm khoảng 300m kéo dài trong hầm khoảng 2km gần với khu vực Công ty Cổ phần (CP) đầu tư Đèo Cả đang đục, thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 (hầm Hải Vân đang thi công mở rộng).

Một tài xế lưu thông qua khu vực hầm cho biết: “Mỗi lần đi qua thấy các vết nứt là tôi cứ run run vì sợ sập...”.

Nhiều vết nứt chằng chịt hai bên thành hầm Hải Vân
Nhiều vết nứt chằng chịt hai bên thành hầm Hải Vân

Được biết, từ tháng 1/2016, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả nhận bàn giao vận hành, khai thác hầm Hải Vân và cũng là đơn vị chủ đầu tư dự án mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 2 theo hình thức BOT.

Theo đó, để thi công dự án hầm Hải Vân 2 (giai đoạn 2) Công ty CP Đầu tư Đèo Cả bắt đầu nổ mìn thực hiện từ 13h15- 13h45 hàng ngày từ tháng 11/2016. Từ đó dư luận cho rằng, việc nổ mìn trên đã làm ảnh hưởng đến hầm Hải Vân 1 và khiến cho nhiều vết nứt bên trong hầm ngày càng xuất hiện nhiều...

Trước sự việc trên, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã có văn bản gửi các cơ quan báo chí để làm rõ thông tin hầm Hải Vân bị nứt.

Theo văn bản, sau khi được bàn giao, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã thực hiện khảo sát toàn bộ các vết nứt trong hầm (do Tư vấn Nippon Koei của Nhật Bản và Tư vấn Alpin Technik của CHLB Đức thực hiện bằng thiết bị quét tự động toàn bộ hầm) đã cho thấy trong hầm đang tồn tại một số vết nứt, trong đó phát hiện 8 vết nứt ở trạng thái bất lợi, cần sửa chữa để tránh rủi ro về an toàn kết cấu. Đến tháng 12/2016 đã sửa chữa hoàn thành và được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và HĐNTNN nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Ông Lê Quỳnh Mai- Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (đơn vị vận hành và quản lý hầm Hải Vân) cho hay, về mặt kết cấu kết và an toàn giao thông đến nay hoàn toàn không có vấn đề gì và việc các vết nứt xuất hiện là trước thời điểm bàn giao công trình cho Công ty Đèo Cả quản lý, vận hành.

Thứ trưởng Bộ GTVT kiểm tra các vết nứt bằng kính lúp
Thứ trưởng Bộ GTVT kiểm tra các vết nứt bằng kính lúp

Các vết nứt hiện nay rất nhỏ (chỉ có thể nhìn thấy bằng cách quan sát qua kính lúp), hoàn toàn không gây nguy hiểm cho kết cấu vỏ hầm cũng như an toàn giao thông và trong khi đó đang thi công hầm Hải Vân 2 nên chưa phù hợp để xử lý dứt điểm...

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải về kiểm tra

Trong chiều 25/10, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu, cùng lãnh đạo Vụ KHCN, Cục QLXD&CLCTGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 85 (Bộ GTVT) đã trực tiếp về hiện trường để kiểm tra hầm Hải Vân.

Theo PGS.TS Hoàng Hà (Vụ trưởng Vụ KHCN- Bộ GTVT), các vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 đã có từ trước khi công ty CP đầu tư Đèo Cả nhận bàn giao từ tháng 1/2016. Tổng số vết nứt được ghi nhận là 321 vết; 8 vết nứt có trạng thái bất lợi đã được Bộ GTVT cho phép sửa chữa. Các vết nứt còn lại được quan trắc, theo dõi.

Về hình ảnh các vết nứt lan rộng mà báo chí ghi lại, PGS.TS Hoàng Hà lý giải, lớp vỏ hầm hiện được phủ lớp sơn epoxy từ năm 2005. Qua 13 năm sử dụng, lớp sơn này đã lão hóa (thời hạn sử dụng lớp sơn này theo tiêu chuẩn kỹ thuật là 5- 7 năm), đặc biệt tại các vết nứt. Ngoài ra, do công tác vệ sinh, rửa vỏ hầm bằng nước đã làm các vết bong tróc sơn lan rộng.

Hiện tại hầm Hải Vân vẫn đang được thi công...
Hiện tại hầm Hải Vân vẫn đang được thi công...

“Các vết nứt không phát triển nhưng hiện tượng bong tróc sơn khiến cho cảm quan vết nứt phát triển, dẫn đến lo ngại về an toàn của hầm. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định vết nứt đang được kiểm soát chặt chẽ, chưa có hiện tượng phát triển, không xảy ra nguy cơ mất an toàn...”- PGS.TS Hoàng Hà khẳng định.

Về ảnh hưởng của việc nổ mìn thi công hầm Hải Vân 2, lãnh đạo Vụ KHCN cho biết đã làm việc với tư vấn của Hiệp hội Nổ mìn Việt Nam, tư vấn giám sát Cộng hòa liên bang Đức khẳng định biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho hầm Hải Vân 1.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chỉ đạo, dù các vết nứt chưa có dấu hiệu phát triển nhưng nhà đầu tư cần lập tổ công tác, thường xuyên kiểm tra đánh giá các vết nứt. Khi có hiện tượng bất thường phải báo cáo Bộ GTVT.

Thứ trưởng Thọ cũng yêu cầu lập tổ công tác giám sát độc lập thuộc Bộ GTVT giám sát, hỗ trợ nhà đầu tư...

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin

Văn Dinh