Hà Giang: Trao bò hỗ trợ nạn nhân bom mìn các xã biên giới trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 26/10/2017

(TN&MT) - Trong 2 ngày 24 và 25/10, Hội hỗ trợ khắc phục bom mìn Việt Nam đã tổ chức trao bò sinh sản cho các nạn nhân bom mìn, có hoàn cảnh khó khăn tại các xã biên giới của 3 huyện: Vị Xuyên, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang với tổng kinh phí 440 triệu đồng.

Tại các xã: Minh Tân (huyện Vị Xuyên) và xã Lũng Táo (huyện Đồng Văn), xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc), Trung tướng Phạm Văn Khóa, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội hỗ trợ khắc phục bom mìn Việt Nam đã trao bò sinh sản cho 33 hộ nạn nhân bom mìn, với tổng kinh phí 440 triệu đồng. Đây là những nạn nhân có hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống kể từ sau khi gặp phải tai nạn bom mìn.

Hội hỗ trợ khắc phục bom mìn Việt Nam trao tặng bò cho nạn nhân bom mìn huyện Đồng Văn (Hà Giang).
Hội hỗ trợ khắc phục bom mìn Việt Nam trao tặng bò cho nạn nhân bom mìn huyện Đồng Văn (Hà Giang).

Nhân dịp này, Hội hỗ trợ khắc phục  bom mìn Việt Nam đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức khám chữa bệnh cho nạn nhân bom mìn và nhân dân các dân tộc trên địa bàn các xã biên giới. Đây là hoạt động ý nghĩa thiết thực của Trung ương Hội hỗ trợ khắc phục  bom mìn Việt Nam nhằm tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng có nguồn vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho các gia đình nạn nhân bom mìn.

Thông qua hoạt động tuyên truyền về phòng tránh tai nạn bom mìn sẽ giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống ở địa bàn các xã biên giới của 3 huyện Vị Xuyên, Đồng Văn và Mèo Vạc nâng cao nhận thức trong việc phòng chống tác hại của bom mìn, khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ…góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

Theo Đại tá Nguyễn Công Dần, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang: Là một tỉnh biên giới phía Bắc, Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là tỉnh bước ra khỏi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau cùng của cả nước. Trải qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới những năm 1979 - 1989 đầy khốc liệt, việc bố trí hệ thống bom mìn, vật cản trên một số khu vực, nhất là khu vực gần các điểm cao chiến lược với mật độ lớn và dày. Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, số lượng lớn bom mìn, vật nổ còn tồn sót chưa được rà phá trên địa bàn tỉnh hiện đang nằm trên tổng diện tích khoảng hơn 85.000 ha.  

Qua điều tra và khảo sát kỹ thuật, có 95% số xã trong tỉnh bị nhiễm các chủng loại bom mìn, vật nổ nguy hiểm ở các mức độ khác nhau. Bom mìn, vật liệu nổ còn tồn tại sau chiến tranh ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nước, tác động nhiều mặt đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội của hầu hết các địa phương ở Hà Giang.

Chỉ tính đến tháng 10/2017, toàn tỉnh Hà Giang đã có trên 300 trường hợp là nạn nhân của bom mìn. Hầu hết các nạn nhân bom mìn đều là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn./.

Tin, ảnh:Minh Tâm - Xuân Vũ