Đà Nẵng: Triển khai kế hoạch chống ùn tắc giao thông đến năm 2020

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 12/10/2017

(TN&MT) - Đà Nẵng phát triển đô thị mạnh mẽ trong thời gian qua, diện mạo đô thị đã có nhiều biến đổi sâu sắc. Nhiều tuyến đường, nút giao thông được cải tạo, mở rộng góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đi lại. Tuy nhiên, khu vực trung tâm thành phố đang chịu một áp lực ngày càng gia tăng về điều kiện hạ tầng do số lượng các tuyến đường làm mới không theo kịp với tốc độ tăng trưởng dân số.

Ùn tắc giao thông đang hiện hữu

Số liệu thống kê cho thấy đến năm 2015, dân số Đà Nẵng là 1.029 nghìn người (trong đó gần 40% tập trung chủ yếu ở 02 quận Thanh Khê và Hải Châu) tăng gần 7% so với năm 2010. Giai đoạn 2010 - 2015, ở khu vực 2 quận Hải Châu và Thanh Khê, tỷ lệ tăng chiều dài đường khu vực chỉ khoảng 1,63%. Mật độ đường cấp khu vực chỉ mới đạt từ 6,15 - 7,25 km/km2, còn thấp so với quy định (10,5 - 14,5 km/km2). Trong khi đó, nhu cầu đi lại trên địa bàn 02 địa phương này là rất lớn do đây là nơi tập trung nhiều hoạt động hành chính, thương mại - dịch vụ của thành phố.

Tính đến hết năm 2016, số lượng phương tiện cơ giới thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn thành phố là hơn 868.640 xe các loại (tăng 1,56 lần so với năm 2010). Trong vòng 05 năm trở lại đây, số lượng phương tiện đăng kí mới trên địa bàn thành phố tăng trưởng không ngừng, tỷ lệ gia tăng phương tiện bình quân đều từ 8,58-10,46%/năm, trong đó tỷ lệ tăng trưởng ô tô trung bình qua các năm khoảng 7,46%/năm, mô tô 12,25%/năm.

Dân số tăng nhanh cùng với số lượng vận tải cá nhân cũng ngày càng tăng, mạng lưới giao thông đô thị TP. Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ ùn tắc nếu không có giải pháp phù hợp
Dân số tăng nhanh cùng với số lượng vận tải cá nhân cũng ngày càng tăng, mạng lưới giao thông đô thị TP. Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ ùn tắc nếu không có giải pháp phù hợp

Theo đánh giá của thành phố nếu giữ nguyên mạng lưới vận tải công cộng như hiện nay thì đến 2020, mạng lưới công cộng chỉ có thể đáp ứng được từ 1-2% nhu cầu đi lại. Vận tải cá nhân sẽ chiếm hơn 90% tổng như cầu đi lại, nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ xảy ra không chỉ tập trung ở các nút giao cắt mà sẽ mở rộng phạm vi trên các tuyến đường dẫn vào nút.

Trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tỉnh nói riêng còn hạn chế, nhất là khu vực trung tâm; tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan trên các tuyến phố chính xảy ra thường xuyên gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, dẫn đến hiện tượng ùn tắc giao thông. Trong thời gian qua, hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra chủ yếu vào giờ cao điểm (6h45 - 7h45 và 16h45 - 18h00) ở một số nút giao thông, trục giao thông chính khu vực trung tâm. Vị trí ùn tắc thường xuất phát từ nút giao với các trục đường có lưu lượng giao thông vào nút lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc tiếp đoạn đường trước đó.

Triển khai kế hoạch chống ùn tắc giao thông đến năm 2020

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong các giờ cao điểm hiện nay, đồng thời phòng tránh nguy cơ ùn tắc giao thông trong tương lai khi lượng xe cá nhân ngày càng gia tăng, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông  đến năm 2020.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện tại và tránh ùn tắc giao thông trong thời gian tới, Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong giai đoạn từ nay đến 2020
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện tại và tránh ùn tắc giao thông trong thời gian tới, Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong giai đoạn từ nay đến 2020

Theo đó, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông bên cạnh công tác rà soát, điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải theo điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, phân bố lại và nâng cao hiệu quả của mạng lưới giao thông. Đồng thời rà soát lại quỹ đất điều chỉnh quy hoạch giao thông tĩnh và triển khai phù hợp với thực tế, nhu cầu từng khu vực.

Xây dựng mô hình tính toán, đánh giá, phân tích mạng lưới giao thông hiện trạng, dự báo nhu cầu phát triển hệ thống mạng lưới giao thông đô thị trên toàn thành phố hoặc khu vực, làm cơ sở Quy hoạch các trục chính, phân bố lại luồng giao thông, cân đối tổng thể mạng lưới giao thông và lộ trình tổ chức giao thông, phân luồng xe, lộ trình đầu tư các trục giao thông, kể cả giao thông trên cao và giao thông ngầm.

Xây dựng một số nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 theo chủ trương đã được UBND thành phố thống nhất. Trong đó phấn đấu hoàn thành các thủ tục khởi công trong năm 2018 công trình 2 nút giao khác mức: nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý và nút giao thông phía Tây cầu Rồng.

Đồng thời, triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát giao thông thông minh trên địa bàn thành phố theo hình thức BT để kết nối toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu điều khiển tại Trung tâm, lắp đặt camera xử lý vi phạm tại các nút giao, trục đường chính. Đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, trong đó năm 2017, đề xuất đầu tư xây dựng 03 bãi đỗ xe nổi, bãi đỗ xe cao tầng lắp ghép, trước mắt ưu tiên khu vực trung tâm, ven biển. Năm 2018 - 2020, tiếp tục đề xuất đầu tư các bãi đỗ xe nổi, lắp ghép và đề xuất đầu tư các bãi đỗ xe theo Quy hoạch được duyệt.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp về tổ chức giao thông: đường một chiều, cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ một số tuyến đường; cấm dừng, đỗ xe ô tô khách, cấm đỗ xe theo giờ; cải tạo các nút giao thông, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông; lắp đặt biển báo, sơn kẻ vạch, xây dựng vịnh đỗ xe. Rà soát, điều chính các quy định về phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp với tình hình thực tế. Triển khai Đề án thu phí đỗ xe trên các tuyến đường và thu tiền trông giữ xe.

Công an thành phố chủ trì tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Bố trí lực lượng triển khai tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, xử lý vi phạm về trật tự ATGT vỉa hè, lòng đuờng, đuờng ngang qua đường sắt; tập trung xử lý theo chuyên đề như: qua hệ thống camera, đi sai phần đường, làn đuờng, hành vi dễ dẫn đến ùn tắc giao thông, các hành vi có nguy cơ gây tại nạn giao thông cao.

Bài & ảnh: Yến Nhi