Gia Lai: Đường điện sau công tơ, những "cái bẫy" chết người

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 21/09/2017

(TN&MT) - Đường dây điện loằng ngoằng được mắc tạm bợ trên những cây gỗ mục, cọc tre khô hay đóng trực tiếp lên thân cây nhỏ là hình ảnh rất dễ bắt gặp tại vùng...

 

(TN&MT) - Đường dây điện loằng ngoằng được mắc tạm bợ trên những cây gỗ mục, cọc tre khô hay đóng trực tiếp lên thân cây nhỏ là hình ảnh rất dễ bắt gặp tại vùng khó khăn trên địa bàn Gia Lai. Hằng năm cũng đã chứng kiến rất nhiều cái chết thương tâm vì hệ thống điện sau công tơ, mà lý do chính là tự người dân “tự mình, giết mình”, hoặc là cái bẫy đặc biệt nguy hiểm đối với người thân.

Vấn đề hệ thống đường điện sau công tơ trên địa bàn Gia Lai đang làm “đau đầu” cả hệ thống từ cấp xã, huyện và cả ngành điện lực. Tại các vùng nông thôn, miền núi các bà con sau khi kí hợp đồng với công ty điện lực mắc điện để phục vụ sinh hoạt. Nhưng vì nhu cầu sử dụng điện để sản xuất hoa màu nên bà con đã tự ý kéo điện ra vườn bằng những dây điện và cột điện không đảm bảo yêu cầu. Ngoài có còn tình trạng sử dụng chung hộp công tơ giữa các hộ gia đình, sử dụng điện để bẫy chuột và làm hàng rào chống trộm… gây mất an toàn cho người sử dụng và người dân qua lại. Đây vô hình đây lại là những cái bẫy giết chết bà con. Các ngành chức năng cũng đã vào cuộc nhưng rất khó để quản lý mà chỉ dừng lại ở tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.

Dọc theo những con đường thuộc thôn Thị Tứ (xã Ia Krái, Ia Grai, Gia Lai), chúng tôi đã chứng kiến đa số bà con đều sử dụng các cột bằng sắt có đường kính khoảng 2-4cm để làm trụ điện dẫn vào nhà, ra vườn phục vụ sản xuất. Theo anh Nguyễn Nam (thôn Thị Tứ, xã Ia Krái) tâm sự: “Trong các buổi họp dân, chúng tôi cũng đã đề đạt xin cung cấp thêm cột điện để dẫn điện vào nhà. Nhưng đợi lâu quá nên người dân phải tự mua những cột sắt để làm trụ dẫn điện. Những nhà không có điều kiện thì dùng cột gỗ làm trụ…”. Những trụ điện tạm bợ trên tiềm ẩn nhiều bất cập trong an toàn điện lưới.

Cũng một thực trạng khác tại thôn TaiGlai (xã Ia Ko, Chư Sê) khi dọc hai bên đường đi có khoảng hơn 50 chiếc công tơ điện 3 pha được bà con mắc trên cây xanh. Theo đó, mỗi cây xanh có khoảng 7-10 chiếc công tơ treo trên những cành đã mục, có chiều cao khoảng 1m (trong khi đó yêu cầu an toàn là 2,5m). Không chỉ vậy hệ thống dây điện 3 pha được bà con kéo len lỏi trong các lùm cây để dẫn điện. Theo quan sát của chúng tôi có hơn 50 chiếc công tơ nằm giữa nắng mưa, lâu ngày cũng đã hoen rỉ, hư hại, giá đỡ đã mục dần. Đây cũng là những cái bẫy khi bà con đi làm rẫy chạm vào các đoạn hở thì rất dễ bị giật. Theo anh Đặng Tiến Lập (Trưởng phòng Kinh doanh- Tổng hợp, Điện lực Chư Sê) cho biết, đây là hệ thống điện 3 pha được Công ty điện lực Chư Sê hợp đồng với Nông trường Cà phê Ia Ko nhằm phục vụ cho bà con sản xuất. Điện lực chỉ quản lý công tơ tổng, còn nông trường quản lý điện sau công tơ và bán ra cho các công nhân để tưới tiêu…Còn việc bà con tự ý lắp đặt các công tơ trên các cây điện lực đã gửi thông báo nhiều lần yêu cầu nông trường khắc phục nhằm đảm bảo an toàn điện lưới…

Trên đường đi, chúng tôi đã vô tình bắt gặp anh Nguyễn Văn T (làng Pang, xã Ia Glai, Chư Sê) đang bắt đường dây điện ra vườn rau của mình. Hình thức đấu nối chỉ là dùng bao ni lông vấn quanh rất sơ sài nhưng vẫn thản nhiên coi như việc bình thường. Chia sẻ với phóng viên, anh T cho hay: “Đường dây ở đây phục vụ cho tưới tiêu thôi, đa phần là do người dân tự kéo điện, mình cũng đã quen cách làm như vậy nên không còn cảm thấy sợ bị điện giật gì cả. Cũng vì nhu cầu điện sản xuất nên bà con cũng kéo dây ra ngoài vườn để tươi tiêu…có gì đâu.”

Theo Ông Puih Blí – chủ tịch xã Ia Der (huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết, trước thực trạng người dân tự dẫn điện vào nương rẫy phục vụ tưới tiêu sản xuất còn tiềm ẩn nguy hiểm, chính quyền xã đã kết hợp với Công ty điện lực thường xuyên có những hoạt động tuyên truyền. Những vì hệ thống điện sau công tơ chưa ai quản lý, bà con cũng chưa nắm được kiến thức về điện nên còn sơ sai trong việc bảo đảm an toàn điện…”.

Theo số liệu của Công ty điện lực Gia Lai, từ tháng 1 đến nay đã có 3 người chết do điện giật và nhiều người bị bỏng nặng. Nguyên nhân chủ yếu cũng chính là do những đường điện sau công tơ được mắc sơ sài khiến điện bị rò rỉ. Hay việc bà con sử dụng các cột tre, cây xanh là trụ đã dẫn đến việc điện giật chết người.

Đến thăm gia đình ông Đoàn Cường, người vợ trẻ vẫn chưa hết “đỏ mắt” trước cái chết của chồng. Theo đó vào ngày 7/9, trong lúc ra vườn để chăm sóc hoa màu (cách nhà khoảng 1km) thì vô tình phần đầu của ông Cường (Sn 1969, thôn An Hòa, xã Cư An, Đăk Pơ) bị vướng vào dây điện bị hở. Vì nguồn điện lớn đã hút ông Cường vào, khi nghe tiếng kêu cứu mọi người chạy ra thì ông Cường đã tử vong tại chỗ. Được biết, dây dẫn này được gia đình ông kéo ra để phục vụ sản xuất, tưới rau.

Cũng vào tháng 4/2017 khi ông Nguyễn Tuấn Khỏe (xã Ia Kinh, Đức Cơ) thuê 3 anh Hồ Văn Hải cùng 2 người đến đào giếng cho gia đình mình. Trưa cùng ngày, khi thấy máy bơm không lên anh Hải đã đi kiểm tra máy dưới hồ, do mạch điện bị hở và giật anh Hải tử vong tại chổ. Mọi người phát hiện đã cúp người điện và đưa thi thể anh Hải ra khỏi khu vực.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Trường (Phó Giám đốc Công ty điện lực Gia Lai) cho biết: “Ngành điện lực chỉ quản lý từ công tơ điện trở lại, còn phần sau công tơ thì công ty điện không quản lý. Phần điện sau công tơ cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Chủ yếu đường điện sau công tơ là do bà con tự kéo để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nên ngành điện rất khó để giám sát, quản lý…Ngoài ra, công ty cũng nghiêm cấm các hành vi bà con dùng điện để bẫy chuột, hàng rào bảo vệ…Nếu phát hiện các hộ dân nào tự ý sử dụng thì công ty điện sẽ cử người đến nhắc nhở, thông báo để người dân khắc phục, tháo dở…”.

Ông Trường cũng cho biết thêm: “Qua đây cũng khuyến cáo bà con việc sử dụng đường điện sau công tơ phải đảm bảo các yếu tố an toàn điện. Sử dụng dây điện có cách điện, trụ đảm bảo, chắc chắn. Sử dụng điện theo quy định của ngành điện, thường xuyên kiểm tra các mối nối…”./.

Vũ Đình Năm