Chỉ đạo phối hợp lực lượng giữ vững an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT trên QL 91

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 13/09/2017

(TN&MT) - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ mới phát đi văn bản số 3450/UBND-KT chỉ đạo hỗ trợ việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu giá hoàn vốn đầu tư Dự...

 

(TN&MT) - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ mới phát đi văn bản số 3450/UBND-KT chỉ đạo hỗ trợ việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu giá hoàn vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thúc Hợp đồng BOT.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận Ô Môn, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền cho người dân và các chủ phương tiện tham gia giao thông chấp hành pháp luật của Nhà nước. Phối hợp lực lượng chức năng có giải pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn, đặc biệt là khu vực trạm thu giá, không để xảy ra ùn tắc giao thông khu vực trạm thu giá dịch vụ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), tránh hiện tượng các phần tử xấu lợi dụng để lôi kéo, kích động gây rối làm mất an ninh trật tự xã hội.

Trạm thu phí T2 nằm trên QL91, qua phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) giáp với TP Long Xuyên (An Giang) bị người dân phản đối cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý.
Trạm thu phí T2 nằm trên QL91, qua phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) giáp với TP Long Xuyên (An Giang) bị người dân phản đối cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý.

Văn bản chỉ đạo này ban hành sau khi Bộ Giao thông vận tải có Công văn số 9901/BGTVT-ĐTCT ngày 30/8/2017 về việc thu giá dịch vụ đường bộ tại trạm thu giá hoàn vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo Quốc lộ 91 (đoạn từ km 14 đến km 50 +889), diễn giải tình hình xây dựng, hoạt động các trạm thu giá, các giải pháp khắc phục một số bất cập nảy sinh sau khi đưa vào hoạt động với các kiến nghị gửi tới chính quyền TP.Cần Thơ và các tỉnh Kiên Giang, An Giang. Trong đó, khẳng định chủ trương, cơ chế là đúng tuy nhiên sau khi kiểm tra, Bộ Giao thông vận tải có yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh giảm giá thu phí đối với một số loại phương tiện lưu thông trên tuyến này. Cụ thể là giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các loại xe bus, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ Kiên Giang (QL80) về An Giang (QL91) và ngược lại và các phương tiện của người dân sinh sống có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm thu phí.

Ngay sau khi ban hành văn bản và kiến nghị chính quyền các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ hỗ trợ, ngày 31/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Nhật, đã dẫn đoàn làm việc với UBND tỉnh An Giang về các dự án giao thông trên địa bàn, trong đó có trạm thu phí T2 (dự án BOT 91 Cần Thơ – An Giang).

Tại buổi làm việc, ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm xem xét, chỉ đạo, xử lý bất cập của trạm thu phí T2 tại Km50+050 QL91 (dự án BOT 91) để đảm bảo quyền lợi của người dân và an ninh trật tự trong khu vực. Trạm đặt không đúng vị trí.

Xung quanh trạm thu phí T2, tại buổi làm việc, ông Vũ Tuấn Anh - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho rằng, việc đặt trạm thu phí sẽ có một số ảnh hưởng đến người dân. “Trên thế giới hiện nay có hai hình thức thu giá đó là thu hở và thu kín. Trong đó, thu kín sẽ đảm bảo công bằng tuyệt đối. Thu kín có thể hiểu ai đi bao nhiêu km thì trả tiền bấy nhiêu. Còn hiện nay chúng ta đang áp dụng trên các quốc lộ là thu phí hở. Thu phí hở thì cho rằng chúng ta chỉ đi 1 km trên tuyến BOT cũng phải trả phí trên cả tuyến đường. Đây là điều không công bằng của thu phí hở và Bộ GTVT vẫn đang nghiên cứu có giải pháp giảm bớt thiệt hại cho người tham gia giao thông” - ông Vũ Tuấn Anh, nói.

Trạm thu phí T1 đặt tại địa phận quận Ô Môn.
Trạm thu phí T1 đặt tại địa phận quận Ô Môn.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô An Giang cũng cho biết, đối với xe buýt, xe tuyến cố định… đã được giảm vé qua trạm T2 nhưng còn các loại xe tải, xe container, xe taxi… vẫn chỉ đi khoảng 500m mà vẫn phải trả giá vé toàn tuyến là bất hợp lý. “Chúng tôi yêu cầu phải có sự công bằng. Chúng tôi đi bao nhiêu km thì cứ tính bấy nhiêu, chứ không thể tính toàn tuyến. Vấn đề đặt trạm này, trước đây Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (giờ là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng  - PV) xác định chỉ đặt 1 trạm T1, nhưng không hiểu sao lại xác định thêm trạm T2. Tuy nhiên, nếu đặt trạm T2 đặt dưới Lộ Tẻ thì ở An Giang không ai nói gì” - ông Xuân nói.

Ông Xuân cũng khẳng định loại hình đầu tư theo hình thức BOT đối với nhà nước, người dân là tốt nhưng khi thực hiện lại không tốt. Ông Xuân cho rằng cần phải di dời trạm T2 và “chốt” thời gian di dời chứ không thể đợi tới năm 2021 thì An Giang phải chịu thiệt thòi. “Đây là vấn đề Bộ GTVT phải quan tâm và xử lý. Nếu di dời trạm T2 mọi chuyện sẽ êm thấm thôi” - ông Xuân, nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, việc nâng cấp QL91 và đặt trạm thu phí T2 được thực hiện đúng quy trình. Ông nói: “Vừa qua, tôi đã ký văn bản giao cho Tổng cục Đường bộ và chủ đầu tư để giảm giá trạm T2 rồi. Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy đầy đủ như báo cáo Sở GTVT tỉnh An Giang và Hiệp hội vận tải ô tô An Giang, nên sẽ chỉ đạo lần thứ 2 tiếp tục giảm giá. Tất cả phải đảm bảo hài hoà giữa quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 91 (đoạn km 14 đến km 50 +889) dài hơn 28km, đi qua địa bàn quận Ô Môn và Thốt Nốt, theo hình thức Hợp đồng BOT do Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 1.720 tỉ đồng. Để thu phí hoàn vốn chủ đầu tư đã bố trí 2 trạm thu giá T1 và T2 chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2017, thời gian hoàn vốn dự kiến là 16 năm 6 tháng.

Hùng Long