Về Nghĩa Lộ vui Tết Xíp xí của người Thái Mường Lò
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 03/09/2017
Lễ cúng ruộng trong tết Xíp xí được thực hiện trang nghiêm |
Để chuẩn bị cho ngày này, các hộ gia đình người Thái ở Nghĩa Lộ đã tổ chức dọn dẹp nhà cửa, mua sắm các vật dụng cần thiết để làm bánh, đồ xôi, cơm cúng thần linh tổ tiên và mời anh em họ hàng đến cùng ăn tết.
Theo bà Lò Thị Thơm ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) cho biết: Theo lịch của đồng bào Thái, tháng 7 âm lịch là tháng Giêng. Trước đây người Thái chỉ gieo cấy 1 vụ mùa. Do đó, đây là thời điểm nông nhàn, công việc đồng áng đã xong xuôi, bà con chỉ tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa. Vì thế, đây là lúc con người được nghỉ ngơi ăn Tết. Không những thế, người Thái quan niệm tháng 7 là tháng mưa lũ. Trong mùa mưa lũ con người không buôn bán hay làm gì được nên họ tập trung con cháu với mục đích nhắc con cháu không nên đi xa để tránh tai ương, bệnh tật.
Tết Xíp xí là tết truyền thống của dân tộc được tổ tiên truyền lại nên mang ý nghĩa quan trọng và có nhiều lễ cúng để cầu mong một vụ mùa bội thu, cuộc sống yên vui, ấm no, cũng là để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến ông bà, tổ tiên của mình.
Tết Xíp xí của người Thái Nghĩa Lộ bao giờ cũng gồm 2 phần: Lễ và hội. Trong lễ cúng ruộng "tam tế na", mâm lễ gồm: 1 đầu lợn, 1 bộ lục phủ ngũ tạng lợn, 2 gói thịt lợn băm để sống, 2 gói xôi, bánh xíp xí, vòng bạc, vải sải, trầu cau, rượu, muối…
Trước đó, ông mo rất cầu kỳ làm những chiếc ô nhỏ và những hình trang trí bằng giấy màu để bày lên mâm cỗ; các hộ trong bản thì chuẩn bị nơm, rọ, ớp, tấm nan đan… đều là những dụng cụ đi ruộng hàng ngày để hái rau, bắt cua, cá. Mâm cúng được đặt ngang đầu ruộng của cả bản hướng ra cánh đồng.
Khi tiến hành nghi lễ, ông mo quay mặt hướng về phía cánh đồng, vái tứ phương cầu cho chúa trời, chúa đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, đừng mưa bão làm đổ lúa, cầu cho mùa màng tốt tươi, lúa không bị sâu bọ phá hoại, cây lúa cho hạt to, chắc, mẩy, có một vụ mùa bội thu.
Kết thúc lễ cúng, ông mo mang những nan đan cắm ở đầu ruộng với ý nghĩa bảo vệ cho đồng ruộng chống lại thú dữ và sâu bệnh phá hoại mùa màng. Người dân trong bản mang cá ra thả để lưu giữ cá ruộng cho vụ đông. Trước đây, lễ cúng ruộng thường được tổ chức cho cả bản, ngày nay vẫn được duy trì và tùy theo từng gia đình nào có điều kiện thì vẫn tổ chức mâm lễ cúng riêng ruộng của gia đình mình.
Cùng với lễ cúng ruộng là lễ cúng vía trâu. Người Thái coi con trâu là "đầu cơ nghiệp”, là nguồn sức kéo chính trong cày ải đất để làm ruộng. Vì vậy, con trâu là tài sản lớn nhất, là con vật thân thiết với mọi người trong gia đình, được chăn dắt, chăm sóc hàng ngày.
Lễ cúng vía trâu được tiến hành ở dưới gầm sàn. Ông mo hoặc bà mo sẽ cúng cầu mong con trâu của gia chủ luôn khỏe mạnh để làm tốt việc đồng áng. Sau lễ cúng vía, con trâu sẽ được gia chủ cho ăn những bó cỏ lau non ngon nhất, còn thịt gà, bánh và xôi sẽ được chia cho trẻ con chăn dắt trâu trong gia đình coi đây như một phần thưởng cho người chăn trâu hàng ngày. Trẻ con trong các gia đình mang bánh, xôi, gà lên bãi chăn trâu cùng liên hoan và chơi các trò chơi dân gian như: cướp cờ, ô quan, đánh khăng…
Còn 3 lễ cúng không thể thiếu trong tết Xíp xí là lễ cúng tổ tiên, lễ cúng họ ngoại và lễ cúng thần linh thể hiện sự tôn kính, biết ơn đối với các bậc thần linh và những người đã có công khai ấp, lập bản, lập mường; biết ơn các đấng sinh thành và cầu mong cho các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, hòa thuận, biết bảo ban nhau làm ăn phát triển kinh tế.
Sau những nghi lễ trang trọng của ngày tết Xíp xí là phần hội. Người Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò vẫn duy trì được ngày tết truyền thống Xíp xí với các nghi lễ và trò chơi dân gian ý nghĩa đặc sắc.
Năm nay, đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò đón tết Xíp xí trong hương gạo lúa mới của vụ mùa với những chiếc bánh đôi, những đĩa xôi ngũ sắc thơm phức. Niềm vui như được nhân đôi với không khí của ngày mùa và niềm hân hoan chuẩn bị cho Tuần văn hóa - du lịch Mường Lò 2017.
Tết Xíp xí 2017 sẽ là một trong những nét văn hóa thu hút sự quan tâm của du khách và cả những người Thái xa quê về để tham dự ngày tết truyền thống đầy ý nghĩa này của dân tộc mình.
Thanh Ngà