Nhớ mãi kỷ niệm một lần được gặp Bác

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 02/09/2017

(TN&MT) - Sáng ngày 10 tháng 12 năm 1961, người công nhân chăn nuôi lợn của nông trường Đông Hiếu vinh dự được gặp Bác Hồ. Đã gần 60 năm, những lời căn dặn của Người được khắc ghi trong tâm khảm, là phương châm sống để ông tiếp tục lao động và tham gia công tác xã hội. Người công nhân ngày đó là ông Phạm Xuân Liên ở xóm Đông Phong, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Căn nhà nhỏ nằm khuất sâu trong ngõ nhỏ luôn rộn vui tiếng cười trẻ nhỏ là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tìm đến nhà người công nhân chăn lợn năm ấy. Tiếp chúng tôi là người đàn ông gần 80 tuổi nhưng vẫn còn thanh thoát trong dáng đi, mạch lạc trong từng lời nói. Ông cho biết, sau khi sống ở xóm Đông Phú, xã Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa) gần 30 năm, do tuổi cao nên ông mới chuyển về ở cùng con cháu tại xóm Đông Phong, xã Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn) được mấy tháng.

Khi được hỏi về thời khắc thiêng liêng được gặp Bác Hồ, ông vào nhà gỡ tấm ảnh đen trắng treo trên tường mang xuống khoe với chúng tôi. Tấm ảnh chụp một đoàn người đang đi trong phân khu trại nuôi lợn, Bác Hồ là người đi ở vị trí trung tâm của đoàn, dẫn đoàn tham quan là một chàng thanh niên đầu đội mũ vải công nhân, chân đi ủng.

Tay chỉ vào người đi đầu trong ảnh, ông cho biết, đó là ông thời trẻ tuổi. Trong hơi ấm của những cốc chè xanh vừa được rót, ánh mắt ông ánh lên niềm tự hào về kỷ niệm những giây phút được gặp Bác Hồ.

Ông Phạm Xuân Liên (người đi đầu) vinh dự được dẫn Bác Hồ đi tham quan khu trại chăn nuôi lợp của nông trường Đông Hiếu.
Ông Phạm Xuân Liên (người đi đầu) vinh dự được dẫn Bác Hồ đi tham quan khu trại chăn nuôi lợp của nông trường Đông Hiếu.

Ngày ấy, ông làm công nhân chăn nuôi lợn phục vụ nguồn cung thực phẩm cho chiến trường miền Nam. Sáng ngày 10 tháng 12 năm 1961, ông mừng khôn xiết khi được lãnh đạo nông trường Đông Hiếu giao nhiệm vụ dẫn đoàn đại biểu Bác Hồ về thăm nông trường đi tham quan trại lợn của đơn vị. Hồi hộp xen lẫn sự lo lắng, niềm tự hào là tâm trạng của chàng thanh niên tuổi đôi mươi Phạm Xuân Liên lúc ấy. Rồi thời khắc ấy cũng đến, hơn 9 giờ sáng, Bác đi cùng đoàn tham quan đã đến trại lợn.

Mặc dù đã được thông báo trước nhưng tim của Phạm Xuân Liên vẫn như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, phút giây xúc động mãnh liệt cũng qua đi, hít một hơi thật sâu ông lấy lại bình tĩnh để làm tròn nhiệm vụ phân công. Sau khi đi tham quan một vòng khu chăn nuôi, Người hỏi một số thông tin về năng suất, chất lượng đàn lợn trước khi xuất chuồng tạo nguồn thực phẩm gửi ra chiến trường. Bác ân cần hỏi thăm cuộc sống và công việc mệt nhọc của những người công nhân đang công tác ở khu trại nuôi lợn.

Ông Phạm Xuân Liên nâng niu, tự hào về bức ảnh ông được gặp Bác Hồ.
Ông Phạm Xuân Liên nâng niu, tự hào về bức ảnh ông được gặp Bác Hồ.

Ông hồi tưởng lại lời Bác dặn: “Các chú phải tích cực lao động để cung cấp nguồn thực phẩm cho tiền tuyến. Cùng với đó, cần phát triển phong trào tăng gia sản xuất, sản xuất giỏi mạnh hơn nữa để sau này có dịp Bác sẽ về nông trường, thăm trại chăn nuôi của các chú nhiều lần nữa”. Người còn hỏi thăm về cuộc sống, sinh hoạt, chia sẻ những khó khăn của công nhân nông trường.

Trong thời khắc ấy, người công nhân chăn nuôi hứa với Bác luôn luôn phấn đấu đưa năng suất, chất lượng đàn lợn cao hơn nữa, xây dựng tổ chăn nuôi đạt được nhiều thành tích trong lao động, sản xuất.

Bức ảnh luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong căn nhà của ông Liên.
Bức ảnh luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong căn nhà của ông Liên.

Mấy chục năm trôi đi nhưng lời Bác dăn dò hôm ấy đã trở thành phương châm sống của người công nhân chăn nuôi ngày nào. Năm 1989, ông nghỉ hưu cư trú tại xóm Đông Phú, xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa. Về với xóm làng, ông tích cực tham gia công tác xã hội, sau đó ông được bầu làm Chi hội trưởng Hội người cao tuổi của xóm.

Ông Ngô Xuân Lại, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Đông Hiếu chia sẻ, ông Liên là người rất tích cực trong công tác xã hội. Hiện nay, xóm nơi ông cư trú đang xây nhà văn hóa, ông Liên cũng đóng góp tiền và công để ủng hộ.

Sinh năm 1941, từ quê hương xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tròn 18 tuổi, ông lên nông trường Đông Hiếu lập nghiệp. Người thanh niên dẫn Bác Hồ đi tham quan ngày nào giờ đã thành lão niên có hàng chục cháu, chắt quây quần sớm hôm tuổi già. Ông tự hào và cho rằng mình là người vinh dự và may mắn khi được gặp Bác. Để từ đó ông sống xứng đáng với lời căn dặn của Người, như lời thơ của Tố Hữu “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Đình Tiệp – Sơn Cao