Qua miền đất thép...

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 02/09/2017

(TN&MT) - Có lẽ, không ở đâu trên dải đất hình chữ S lại chịu nhiều mất mát, đau thương, nhưng cũng vô cùng kiên cường, oanh liệt như ở mảnh đất Quảng Nam. Vượt lên tất cả, quê hương Quảng Nam anh hùng hôm nay đang tươi cây, thắm đất, vươn mình trỗi dậy, để một ngày không xa trở thành trung tâm kinh tế vùng.

Giữa vườn cây trái sum suê, ngôi nhà Mẹ Nguyễn Thị Thứ  (1904 - 2010) ở thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mái ngói rêu phong phủ màu năm tháng. Nhìn những tấm bằng Tổ quốc ghi công, những tấm hình liệt sĩ đã ngả màu thời gian đặt trang trọng trên bàn thờ mới thấy được sự hy sinh lớn lao của Mẹ. Trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Mẹ đã dằn lòng tiễn 9 người con trai, một người con rể và 2 cháu ngoại ra đi, rồi không một ai trở về.

Mất mát đầu tiên của Mẹ là ngày 18/6/1948, khi anh Lê Tự Xuyến, người con trai thứ 2, một chiến sỹ giao liên làm nhiệm vụ bị giặc Pháp bắn hy sinh ngay tại đầu làng. Nước mắt chưa vơi, tin dữ lại đến, ngày 5/10/1948, anh Lê Tự Hàn (anh) hy sinh khi làm nhiệm vụ tải thương. Mười ngày sau, ngày 15/10/1948, anh Lê Tự Hàn (em) cũng hy sinh trong một trận chống càn. Chỉ trong 4 tháng, Mẹ đã mất 3 người con thân yêu của mình. Tiếp đến ngày 1/4/1954, anh Lê Tự Lem vừa tròn 20 tuổi, tham gia bộ đội huyện lại hy sinh trong lúc chiến đấu với giặc.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ tại Quảng Nam
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ tại Quảng Nam

Cứ thế, nấm mồ này chưa xanh cỏ, Mẹ lại nuốt nước mắt tiễn đưa những người con về cõi vĩnh hằng. Song, vết thương đau trong lòng Mẹ lại như “cây dó lên trầm”, bùng cháy thành ngọn lửa Cách mạng.

Ông Hà Sáu, nguyên Chủ tịch UBND xã Điện Thắng, kể lại: Vào năm 1998, lúc Mẹ còn sống, có một đoàn khách nước ngoài về thăm Mẹ. Sau khi nghe những câu chuyện về lịch sử, về sự hy sinh anh dũng của những người con đất Quảng, giữa câu chuyện, một nhà báo Hàn Quốc, cũng là một cựu chiến binh đã băn khoăn hỏi Mẹ: “Thưa bà, với quan niệm người Á đông chúng ta, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn cứ tiếp tục động viên những người con khác của mình ra mặt trận?”.

Mẹ vẫn điềm nhiên ngồi nhai trầu, thong thả nhìn thẳng vào nhà báo nọ và trả lời: “Thưa ông, tôi không được học nhiều, biết nhiều như ông, nhưng ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy Không có gì quý hơn độc lập tự do. Vì vậy người Việt Nam, trong đó có các con, cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cả tính mạng để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”. Nghe Mẹ nói, nhà báo nọ sững người, rồi quỳ xuống xin lỗi Mẹ mà nước mắt rưng rưng.

Cách nhà Mẹ Thứ không xa, ngôi nhà thời thơ ấu của người con ưu tú xứ Quảng - Nguyễn Văn Trỗi vẫn còn lưu giữ những kỷ vật thời tuổi trẻ. Hình ảnh người thợ điện 26 tuổi, đẹp trai, thư sinh hiên ngang và dõng dạc trước giờ ra pháp trường cùng mối tình tuyệt vời với chị Quyên đã để lại bao cảm xúc cho các thế hệ.

Bà Nguyễn Thị Bê, em gái cùng cha khác mẹ của anh Trỗi chỉ lên bàn thờ cha mẹ rồi chậm rãi: "Bố tôi là Nguyễn Văn Hóa. Mẹ anh Trỗi sinh được 4 người con, anh Trỗi là thứ 3. Sinh xong con thứ 4 được mấy tháng thì mẹ anh mất. Bố đi bước nữa. Mẹ tôi sinh thêm 3 con, tôi là út. Gia đình hồi trước nghèo lắm, nhưng có tinh thần yêu nước và Cách mạng. Bố tôi làm hầm nuôi giấu cán bộ. Anh Trỗi lớn lên vào Sài Gòn làm thợ điện. Ngày anh đi, tôi lẵng nhẵng đòi đi theo, anh bảo: Em ở nhà ngoan, anh đi rồi anh về. Ai ngờ sau khi anh cưới chị Quyên được 19 ngày, gài mìn giết địch, bị bắt và hy sinh, chẳng bao giờ trở về nữa".

Quảng Nam anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và năng động trong thời bình
Quảng Nam anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và năng động trong thời bình

Sách báo đương thời đã viết rất nhiều về anh Trỗi, thế nhưng, có lẽ 4 câu thơ của Tố Hữu: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra” đã phần nào khắc họa được khí phách người cộng sản Nguyễn Văn Trỗi. Ở mảnh đất Thanh Quýt này, hình như ngay từ trong bụng mẹ, đứa trẻ đã thấm đẫm lòng yêu nước và cho đến lúc về với đất như Mẹ Thứ, lòng yêu nước, tinh thần Cách mạng vẫn không hề vơi.

Ai đó đã từng nói rằng, quê hương xứ Quảng là mảnh đất “ra ngõ gặp anh hùng”, âu cũng thật có lý. Quảng Nam là địa phương có số lượng người có công nhiều nhất cả nước với 65.400 liệt sỹ, trên 30.500 thương binh và gần 15.000 Mẹ Việt Nam anh hùng. Biết bao bà Mẹ đã mất đi những người con thân yêu, biết bao chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Khép lại quá khứ đau thương, xứ Quảng bắt tay xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất bom cày, đạn xới. Tấm gương hy sinh của những người anh hùng và những bà Mẹ anh hùng đã trở thành sức mạnh cho các thế hệ hôm nay vượt qua khó khăn, năng động, sáng tạo đi đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đã dồn sức, dồn lực triển khai nhiều chương trình đầu tư phát triển, cải thiện an sinh xã hội với quy mô lớn, tốc độ nhanh, hiệu quả cao và bền vững.

Sau hơn 20 năm tái lập và hơn 10 năm đổi mới, từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay, Quảng Nam đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và trong nhóm các tỉnh, TP có đóng góp ngân sách cho Trung ương, gấp hơn 170 lần so với năm đầu tái lập.

Mảnh đất đau thương, trung dũng, kiên cường trong chiến đấu, giờ lại tiếp tục chuyển mình đi lên trong sự nghiệp phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Như dòng Thu Bồn ngày đêm đưa phù sa về đắp bồi cho đồng ruộng, cho cây trái đơm hoa, kết trái, cho cuộc sống ươm mầm cho thỏa nguyện những người đã hy sinh máu xương cho đất mẹ quê hương.

Bài & ảnh: Lan Anh