Xanh mướt đồi cây đón Bác

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 02/09/2017

(TN&MT) - Hơn 48 năm trôi qua, song với cán bộ, nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội ký ức được đón Bác Hồ về thăm cây đa Người trồng trên đồi Đồng Váng mới chỉ như ngày hôm qua. Cây đa Bác trồng  ngày một xanh tươi, vươn cao, xòe tán và tỏa bóng mát….

Miền ký ức không quên

Trong không gian thiêng liêng đầy nắng gió ở “Đồi cây đón Bác” may mắn cho chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện cùng với những nhân chứng lịch sử thời điểm đó được ra tận nơi gặp Bác. Đó là ông Chu Tâm Kha – Đại úy, nguyên Chủ nhiệm Đoàn pháo binh, Sư đoàn 328 Quang Ninh, ông Kha bồi hồi nhớ lại: Đêm 30 Tết xuân Kỷ Dậu 1969, tức ngày 15/2/1969, khi đó tôi là Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản thôn Yên Bồ, cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo của thôn, xã Vật Lại được UBND huyện Ba Vì triệu tập và chỉ đạo chuẩn bị các công tác để đón tiếp đoàn của Trung ương về thăm.

Đến sáng sớm ngày mùng 1 Tết, đông đảo nhân dân địa phương đã đứng kín hai bên đường để chào đón đoàn, ai nấy đều trong tâm trạng hồi hộp chờ đợi. Để rồi khi đoàn công tác của Trung ương về tới nơi tất cả như vỡ òa trong niềm vui sướng được tận mắt thấy vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bác xuất hiện với trang phục là bộ quần áo nâu đơn sơ, chân đi đôi dép cao su quen thuộc và nụ cười hiền hậu chào nhân dân. Mọi người vô cùng phấn khởi, không ai bảo ai, cùng đồng thanh chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Hôm đó, dù nhân dân đã chuẩn bị chu đáo, trải chiếu để mời Bác ngồi nhưng đúng với tác phong gần gũi, giản dị Người lại chọn bãi cỏ đồi Đồng Váng làm nơi dừng chân.

Thấy Bác ngồi trên bãi cỏ, nhân dân trong xã, huyện từ các em nhỏ thiếu niên, nhi đồng cho các cụ già, các bậc lão thành cách mạng, đều ngồi quây quần bên Bác, lắng nghe Bác hỏi han, trò chuyện. Tiếp dòng cảm xúc của người lính cựu chiến binh bà Chu Thị Phương – Thôn Yên Bồ, xã Vật Lại chia sẻ: Lần đầu tiên được thấy Bác, khi đó mới 14  tuổi, nhưng cảm thấy rất vinh dự là một trong những thiếu niên chăm ngoan, học giỏi, cháu ngoan Bác Hồ được đón Người về thăm và trao tặng Bác những bó hoa tươi thắm, thể hiện tình cảm sâu đậm, lòng kính trọng, biết ơn của nhân dân đối với vị Cha già dân tộc. Đáp lại Bác cũng dành cho thiếu niên những cái ôm thật nồng ấm và gửi tặng các kỷ vật là những tập sách, quyển vở.

Cây đa trên đồi Đồng Váng (Ba Vì) biểu tượng cho tình thương của Bác Hồ dành cho người dân nơi đây
Cây đa trên đồi Đồng Váng (Ba Vì) biểu tượng cho tình thương của Bác Hồ dành cho người dân nơi đây

Hôm ấy, Người còn ân cần thăm hỏi sức khỏe, công việc của mỗi cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong huyện. Sau khi chào hỏi mọi người, Bác cùng với nhân dân trồng cây. Người chọn cây đa vì theo Bác thời gian rụng lá của cây đa ngắn, nảy lộc nhanh, cành sum suê và rễ lại bám rất chắc vào đất nên gió bão ít bị đổ. Trong khi trồng Bác cũng không quên  căn dặn nhân dân: Ngày nay, ta sung sướng, phải nhớ đến ngày xưa cùng cực, có độc lập, có tự do thì mới có đất nước, ruộng đồng, nhà máy. Đất nước, ruộng đồng bây giờ là của ta, cho nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi. Mỗi người phải cố gắng trồng cây nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa, vì trồng cây có nhiều điều lợi, lợi trước mắt và lợi lâu dài. Trồng cây rồi phải chăm sóc, bảo vệ cho tốt. Trồng cây nào phải sống cây đó.

Tỏa bóng mát cho đời sau

Cây đa tại thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì cũng là cây cuối cùng Bác Hồ trồng trước lúc Người đi xa. Do đó, giờ đây, cây đa này đã trở thành kỷ vật rất thiêng liêng và là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Vật Lại nói riêng, nhân dân cả nước nói chung. Người dân Vật Lại luôn coi cây đa là biểu tượng cho “tình thương của Người dành cho nhân dân các dân tộc trong huyện Ba Vì”. Vì thế mỗi cán bộ, nhân dân trong xã luôn trân trọng, bảo vệ, chăm sóc cây đa ngày càng xanh tốt. Để tiếp tục góp phần bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, ý nghĩa của cây đa Bác trồng, từ năm 2004 khuôn viên rừng cây rộng 18,3 héc ta này đã quy hoạch và được công nhận là Khu Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Nói về ý nghĩa của nơi từng ghi dấu bước chân Người tới thăm và trồng cây ông Chu Tâm Kha chia sẻ: Người dân Vật Lại luôn tôn vinh “Cây đa Bác Hồ” như một biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, biểu trưng cho hồn thiêng sông núi, là thông điệp chuyển tải những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá. Đặc biệt hiện nay, Khu di tích này đã trở thành địa điểm tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về phẩm chất, đạo đức, phong cách giản dị và sự nghiệp vĩ đại vì dân, vì nước của Bác Hồ. Niềm tự hào của miền quê được Bác về thăm đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển giàu đẹp và văn minh hơn.

Đặc biệt hơn cây đa Bác trồng trên đồi Đồng Váng mùa xuân Kỷ Dậu năm 1969 cũng là dịp kỷ niệm tròn 10 năm Người phát động nhân dân cả nước hưởng ứng “Tết trồng cây”. Kể từ đó đến nay, nhân dân trong xã Vật Lại luôn tích cực trồng cây gây rừng làm theo lời Bác dạy, mỗi một cây được trồng mới là một lời khẳng định thêm về giá trị của cây xanh cho một tương lai và cho sự thân thiện của con người với thiên nhiên. Sau này, trong Bản di chúc của Bác để lại cho con cháu, Người cũng dành những lời quý báu về công việc trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi ích cho công nghiệp”.

… Một màu xanh bình yên đem lại sự sống vĩnh cửu cho dân tộc và triết lý của Bác Hồ “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” mãi mãi trường tồn….

Bài & ảnh: Huy An