Chàng trai Tây Nguyên với khát vọng đem văn hoá Ê-đê lên Tàu Thanh niên Đông Nam Á

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 01/09/2017

(TN&MT) - Võ Tiến Tuấn Niê, chàng sinh viên năm cuối Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM là một trong 28 đại biểu xuất sắc sẽ đại diện cho thanh niên Việt...

 

(TN&MT) - Võ Tiến Tuấn Niê, chàng sinh viên năm cuối Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM là một trong 28 đại biểu xuất sắc sẽ đại diện cho thanh niên Việt Nam tham dự Tàu Thanh Niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2017 (gọi tắt là SSEAYP). Là đại biểu dân tộc thiểu số duy nhất trong đoàn, Tuấn là mảnh ghép cực kỳ đặc biệt cho đoàn đại biểu Việt Nam năm nay.

Chàng trai Ê-đê có cái tên đặc biệt

Giải thích về cái tên Võ Tiến Tuấn Niê của mình, Tuấn cho biết cậu mang họ của cả ba và mẹ. “Võ là họ của ba người Kinh và Niê là họ của mẹ người Ê-đê. Sở dĩ chữ “Niê” được đặt ở cuối là bởi trong văn hóa của người Ê-đê, họ được đặt ở cuối cùng” – Tuấn chia sẻ. Vì sở hữu cái tên quá đặc biệt, ngay từ lúc bắt đầu đi học, Tuấn thường được mọi người chú ý và gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười”. “Chuyện viết sai tên vẫn hay xảy ra. Chắc họ nghĩ chẳng có ai lại tên là “Niê” nên mình hay được sửa tên thành…Võ Tiến Tuấn Niên. Tương tự, phải đến 80% những người mới gặp gọi mình là Niê thay vì Tuấn; nhiều đến nỗi đôi khi mình cũng quên luôn tên thật của mình” – Tuấn hài hước kể.

Tuấn Niê (đội mũ cói, đứng giữa) trải nghiệm hoạt động nông nghiệp tại Indonesia năm 2016
Tuấn Niê (đội mũ cói, đứng giữa) trải nghiệm hoạt động nông nghiệp tại Indonesia năm 2016

Chia sẻ về dân tộc của mình, Tuấn luôn tràn đầy cảm xúc và hứng khởi. Cậu cho biết: “Văn hóa cộng đồng Ê-đê thực sự rất đặc biệt, trong đó nổi trội nhất là chế độ mẫu hệ, tức là phụ nữ là người có quyền lực hơn cả. Do đó, đối với người Ê-đê, con cái sinh ra sẽ mang họ mẹ; hôn nhân là do nhà gái chủ động; rồi tài sản và quyền hành trong nhà đều truyền theo dòng nữ”, Tuấn hào hứng. Ngoài ra, khi nói về văn hóa Ê-đê, cậu nam sinh ĐH KHXH&NV TP.HCM này cũng vô cùng tự hào về ẩm thực. “Những món ăn truyền thống của người Ê-đê thường có vị cay và đắng với rau là nguyên liệu chính khiến người ăn có thể ăn mãi mà không chán. Một số món đặc biệt đặc biệt mà mình luôn giới thiệu với bạn bè là canh cà, lá mì xào, canh gạo,… Những món ăn này nghe tên thì rất giản dị nhưng thực chất lại rất ngon và thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Ê-đê mình”. Cậu cũng cho biết: “Chính vì hương vị của những món ăn này mà khi đi học xa nhà, mình thực sự rất nhớ quê, rất nhớ những món ngon mẹ nấu”.

Tuấn Niê trải nghiệm hoạt động nông nghiệp tại Indonesia năm 2016
Tuấn Niê trải nghiệm hoạt động nông nghiệp tại Indonesia năm 2016

Đam mê bảo tồn và truyền bá văn hóa dân tộc mình đến với bạn bè thế giới

Vì có ba là người Kinh và lớn lên ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, phần lớn tuổi thơ của chàng nam sinh người Ê-đê này là sinh hoạt và tiếp xúc với văn hóa người Kinh. Cộng đồng người Ê-đê duy nhất mà Tuấn thường tiếp xúc là gia đình phía mẹ. Chính vì vậy Tuấn thổ lộ rằng cậu cảm thấy có lỗi khi không biết nhiều lắm về văn hóa Ê-đê của mình. Năm 2016, khi có dịp tham gia chương trình giao lưu quốc tế World Village Conference tại Indonesia, Tuấn nhận ra văn hóa dân tộc là một điều thiêng liêng và đặc biệt với cậu. Tuấn kể: “Khi tham gia chương trình này, mình được tiếp xúc với rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Thực sự mình đã cảm thấy vô cùng bất ngờ khi tìm thấy những nét tương đồng giữa người Indonesia và người Ê-đê. Đứng trước những bạn bè quốc tế say sưa giới thiệu về văn hóa và đất nước của họ, tự nhiên mình có khao khát muốn tìm hiểu nhiều hơn về cội nguồn và truyền bá những nét độc đáo của văn hóa Ê-đê nói riêng cũng như Việt Nam mình nói chung đến nhiều người hơn, đặc biệt là bạn bè quốc tế”.

Tuấn Niê cùng bạn bè quốc tế tại các hoạt động của chương trình World Tolerance Conference 2017 tại Indonesia
Tuấn Niê cùng bạn bè quốc tế tại các hoạt động của chương trình World Tolerance Conference 2017 tại Indonesia

Chuyến đi Indonesia là một trải nghiệm làm thay đổi con người Tuấn. Trở về Việt Nam sau chương trình, cậu sinh viên nhiệt huyết đã quyết định trở về Buôn Ma Thuột thực tập thay vì ở lại Sài Gòn như các bạn bè khác. Tại đây, cậu đã cho ra đời một dự án cá nhân mang tên “Finding Niê – Đi tìm Niê” như một cách tìm lại nguồn gốc “Niê” của mình. Theo cậu, dự án là cuốn nhật ký ghi lại những câu chuyện và hành trình tìm hiểu bản sắc dân tộc. Đó là những chặng đường rong ruổi trong những buôn làng Ê-đê, là những lớp học tiếng mẹ đẻ, hay đôi khi cũng là những ghi chép nhỏ nhặt về một công thức nấu ăn mà mẹ và dì của Tuấn chỉ dạy,… “Càng tìm hiểu, mình càng cảm thấy yêu văn hóa dân tộc mình hơn và mong muốn góp phần lan tỏa vẻ đẹp này, không chỉ quy mô trong nước mà còn là quốc tế”, Tuấn cho biết. Trong tương lai chàng trai Ê-đê này có dự định mở ra một trung tâm nhỏ để bảo tồn và quảng bá các nét độc đáo của văn hóa dân tộc ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Tuấn Niê cùng bạn bè quốc tế tại các hoạt động của chương trình World Tolerance Conference 2017 tại Indonesia
Tuấn Niê cùng bạn bè quốc tế tại các hoạt động của chương trình World Tolerance Conference 2017 tại Indonesia

Một số thành tích nổi bật của Võ Tiến Tuấn Niê

- Đại sứ thân thiện khoa Quan hệ Quốc tế, trường ĐH KHXH&NV 2014

- Chiến sĩ xuất sắc Chiến dịch Xuân tình nguyện 2014

- Chiến sĩ xuất sắc Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2014

- Sinh viên xuất sắc trong hoạt động phong trào khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV năm 2015 – 2016

- Giải C Cuộc thi thiết kế đoạn phim, chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh trong tim tôi” 2015 (nam chính)

- Giải Vàng toàn đoàn Liên hoan tiếng hát Sinh viên trường ĐH KHXH&NV 2016

- Giải Đồng, Giải triển vọng – Liên hoan Giai điệu Lạc Hồng 2016

- Đại biểu tham dự chương trình World Village Conference 2016 tại Indonesia

- Đại biểu tham dự chương trình Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên 2016

- Đại biểu tham dự chương trình World Tolerance Conference 2017 tại Indonesia

- Đại biểu Thanh niên Chương trình Tàu Thanh Niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2017

 

Tuấn Niê tổ chức hội thảo ngắn về văn hóa Ê-đê trong Trại tuyển chọn VSSC của SSEAYP
Tuấn Niê tổ chức hội thảo ngắn về văn hóa Ê-đê trong Trại tuyển chọn VSSC của SSEAYP

 

Chương trình Tàu Thanh Niên Đông Nam Á – Nhật Bản (SSEAYP)

SSEAYP là chương trình giao lưu văn hóa được tổ chức thường niên bởi Chính phủ Nhật Bản và 10 nước thành viên ASEAN. Đây là diễn đàn chia sẻ và đóng góp ý kiến của giới trẻ cho sự phát triển của các quốc gia thành viên trên nhiều lĩnh vực. Trải qua 44 năm, chương trình đã giúp rèn giũa và thay đổi tư tưởng của nhiều thế hệ thanh niên ASEAN, trong đó có Việt Nam.  Năm nay, hải trình của con tàu Nippon Maru huyền thoại sẽ kéo dài trong 52 ngày, đi qua 5 nước bao gồm: Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, quy tụ hơn 300 thanh niên ưu tú của khu vực cùng tham gia. Đại diện Việt Nam 2017 gồm 28 đại biểu xuất sắc được tuyển chọn từ hàng ngàn thanh niên ưu tú trong nước. Những đại diện ưu tú cho giới trẻ Việt Nam sẽ tham gia đóng góp tiếng nói vào các vấn đề xã hội nóng hổi đang được quan tâm cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Nguyện vọng đem văn hóa Ê-đê lên Tàu Thanh Niên Đông Nam Á – Nhật Bản

Tuấn đã dõi theo chương trình Tàu Thanh Niên Đông Nam Á – Nhật Bản (gọi tắt là SSEAYP) từ năm nhất đại học và luôn ấp ủ giấc mơ được đặt chân lên con tàu đó một lần. Vì vậy, việc được lựa chọn là 1 trong 28 đại biểu đại diện Việt Nam tham gia chương trình năm nay là một thành tựu lớn đánh dấu chặng đường của tuổi trẻ. Điều này còn ý nghĩa hơn nữa khi đây là cơ hội tốt để Tuấn hoàn thành sứ mệnh truyền bá văn hóa Ê-đê đến với bạn bè quốc tế.

Từ những ngày tham gia vòng trại tuyển chọn, Tuấn đã gây ấn tượng mạnh với các đại biểu khác trong đoàn khi làm một hội thảo ngắn về văn hóa dân tộc Ê-đê. “Lần này khi chính thức được lên tàu, mình sẽ khiến văn hóa Ê-đê lan tỏa một cách mạnh mẽ nhất. Với hơn 300 con người đến từ 11 quốc gia, chắc chắn đó sẽ là một nơi thích hợp để phô diễn các nét đẹp văn hóa dân tộc”, Tuấn hào hứng. “Mình sẽ mang bộ đồ truyền thống của người Ê-đê lên tàu và mặc nó nhiều nhất có thể để giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết về cộng đồng dân tộc mình cũng như sự đa dạng văn hóa của đất nước Việt Nam”. Ngoài ra, cậu cũng chia sẻ thêm rằng cậu và các đại biểu khác sẽ có một tiết mục về Tây Nguyên trong Đêm Văn nghệ Quốc gia. Với một niềm đam mê mãnh liệt về bảo tồn văn hóa, sau khi kết thúc SSEAYP, Tuấn dự định sẽ quay về quê hương lập nghiệp và đóng góp thêm cho sự phát triển của cộng đồng người Ê-đê của mình.

PV