TP. Vũng Tàu: Nhiều nông dân giàu lên nhờ cây "đặc sản"

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 09/08/2017

(TN&MT) - Nhãn xuồng cơm vàng được xem là loại trái cây "đặc sản" của tỉnh BR-VT, nổi tiếng khắp cả nước. Tháng 8, tháng 9 đang là cao điểm của mùa thu hoạch...

 

(TN&MT) - Nhãn xuồng cơm vàng được xem là loại trái cây “đặc sản” của tỉnh BR-VT, nổi tiếng khắp cả nước. Tháng 8, tháng 9 đang là cao điểm của mùa thu hoạch nhãn. Nhãn xuồng năm nay được mùa, được giá nên nhiều hộ gia đình trồng nhãn tại TP. Vũng Tàu cũng khấm khá hơn.

Nhắc đến nhãn xuồng cơm vàng không thể không nói đến nhãn xuồng được trồng ở TP. Vũng Tàu. Được biết, trên địa bàn TP.Vũng Tàu có khoảng 30ha diện tích trồng nhãn xuồng cơm vàng, tập trung chủ yếu tại phường 11, 12. Giống nhãn xuồng cơm vàng Hai Duyệt nổi tiếng khắp miền Đông Nam bộ có đặc điểm là trái to, vỏ ngoài có nhiều vân, bên trong cơm vàng, dày, vị ngọt thanh. Người cho ra giống nhãn này chính là ông Bùi Quang Duyệt (khu phố 1, phường 12, TP.Vũng Tàu). Đầu tháng 8 đến thăm vườn nhãn của ông Duyệt, hơn 300 gốc nhãn xuồng cơm vàng trên diện tích 8.000m2 đang vào độ thu hoạch. Từng chùm nhãn vàng ươm, quả sai lúc lỉu. Hiện giá nhãn xuồng bán tại vườn dao động từ 65-120 ngàn đồng/kg. Ông Duyệt cho biết, mỗi năm, ông làm 1 vụ nhãn, với chi phí đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng, cho sản lượng thu hoạch 6-7 tấn, thu lãi 250-300 triệu đồng. “Năm nay nhãn được mùa được giá nên lợi nhuận từ vườn nhãn của tui cũng cao hơn mùa nhãn năm trước khoảng 50-60 triệu đồng. Hơn 30 năm trồng nhãn, loại trái cây này đã giúp gia đình tui từ nghèo khó trở nên khấm khá hơn. Ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục người thân trong gia đình”, ông Duyệt nói.

Ông Lê Trương Vinh (58/9 Nguyễn Gia Thiều, phường 12, TP.Vũng Tàu) cho biết, ông hiện đang trồng 40 gốc nhãn trên diện tích 1.500m2 với nhiều giống nhãn như: nhãn xuồng cơm vàng, nhãn bắp cải, nhãn bao công và nhãn Hai Duyệt (giống nhãn của ông Bùi Quang Duyệt). Theo ông Vinh, 1 cây nhãn xuồng cơm vàng trong vườn ông thu hoạch được từ 70-150kg, giá bán tại vườn từ 50.000-60.000 đồng/kg. Nhãn Hai Duyệt và nhãn bắp cải cũng cho năng suất tương tự, nhưng giá bán cao hơn với 80.000-90.000 đồng/kg (nhãn Hai Duyệt); 100.000-110.000 đồng/kg (nhãn bắp cải). Ngoài ra, nhờ ứng dụng kỹ thuật chiết - ghép, ông Vinh còn tạo ra loại nhãn xuồng lai tiêu cho cơm vàng, hạt nhỏ, giòn và ngọt nên được bán với giá cao 120.000 đồng/kg cho thương lái thu mua tại vườn. Như vậy, với 40 gốc nhãn các loại, ông Vinh ước tính, gia đình ông thu lãi khoảng 80-90 triệu đồng, cao hơn 10-20 triệu đồng so với năm trước.

Ông Chang Tiến Thành, là hộ trồng nhãn lâu năm ở phường 12 cho biết, năm nay, thời tiết TP.Vũng Tàu khá thuận lợi cộng với kỹ thuật chăm sóc đúng cách nên nhãn năm nay trái to, ít rụng, sản lượng đạt 1,8 - 2 tấn/ha. Theo ông Thành, để có nhãn chính vụ đạt năng suất cao thì từ cuối tháng 2 (âm lịch), ông bắt đầu tưới nước (đây là khâu quan trọng nhất quyết định năng suất cây nhãn). Sau 3 tháng tưới liên tục, đến tháng 4 mưa xuống thì nhãn bắt đầu trổ bông. Tháng 6 (âm lịch) bắt đầu thu hoạch lứa nhãn đầu tiên. Theo ông Thành, đối với những cây nhãn trồng mới theo hàng lối thì ông phủ lưới toàn bộ vườn từ ngọn xuống sát đất để hạn chế chim, dơi, ruồi vàng, bọ xít và ngăn ngừa nhãn rụng trái non.

Trên địa bàn TP. Vũng Tàu hiện có khoảng 30ha trồng nhãn xuồng cơm vàng, tập trung chủ yếu tại phường 11, 12. Ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 cho biết, với đặc tính hạn chế dịch bệnh, trái to, dày cơm, vị ngọt thanh nên nhãn xuồng được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Để nhân rộng giống nhãn này, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với TP.Vũng Tàu và Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ triển khai thành công đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng quy trình ghép cải tạo thay giống nhãn xuồng cơm vàng trên các cây nhãn tiêu da bò già cỗi bằng cách  dùng mắt ghép giống nhãn xuồng cơm vàng có năng suất cao, chất lượng tốt để ghép vào những gốc cây nhãn tiêu da bò đã cưa bỏ nhánh hoặc cưa ngang thân. sau một thời gian, các cây ghép chuyển giống nhãn xuồng cơm vàng không những không bị bệnh mà còn phát triển mạnh, cho năng suất, chất lượng cao.

Cùng với muối Bà Rịa, hồ tiêu và mãng cầu ta, nhãn xuồng cơm vàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp văn bằng bảo hộ. Sở NN-PTNT đang tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý cho 4 sản phẩm kể trên. Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh cho biết, việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho người dân ở địa phương, mà còn bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo. Đặc biệt nhãn xuồng cơm vàng là loại trái cây đặc sản của tỉnh, đã mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, làm giàu cho nhiều hộ gia đình và đồng thời cũng là một sản phẩm du lịch của địa phương cần phải được xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Bài, ảnh: Yến Nhi