TP.HCM: Hạ tầng quá tải, ùn tắc giao thông

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 28/07/2017

(TN&MT) - Hiện TP.HCM đang kiểm soát 37 điểm nóng kẹt xe, ùn tắc. Trong đó, khắc phục hiệu quả 25 điểm hay xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Vừa qua 3/7, TP.HCM đã đưa vào sử dụng một số hạng mục trước của các cây cầu, tuy nhiên, chỉ giải quyết tạm thời tình trạng ùn tắc giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, trong quy hoạch được phê duyệt đến năm 2020, Tân Sơn Nhất đón 25 triệu hành khách, 1 triệu tấn hàng hóa. Và trong quy hoạch giao thông, xây dựng của TP.HCM thì hệ thống hạ tầng giao thông về đối ngoại và phục vụ cho Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất phải được thực hiện đồng bộ…

 Hội nghị về tình hình kinh tế văn hoá xã hội của TP.HCM trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017 vào sáng nay 28/7.
Hội nghị về tình hình kinh tế văn hoá xã hội của TP.HCM trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017 vào sáng nay 28/7.

Theo ông Cường, tháng hè, tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM ít phức tạp. Tuy nhiên vào thời điểm cuối năm thì sẽ khó khăn hơn. Muốn giải quyết được căn cơ vấn đề kẹt xe tại đây, 22 công trình theo quy hoạch phải hoàn thành thì mới đáp ứng được 25 triệu hành khách và 1 triệu tấn hàng hóa vào khu vực này. Trong đó, có những công trình lớn cần đảm bảo hoàn thành xong, đó là tuyến tàu điện ngầm Metro số 2 theo kế hoạch phải đến năm 2020, đường trên cao số 1. Điều đáng nói là hiện số lượng hành khách vào khu vực này đã quá tải và lên đến 32 triệu người, theo dự báo cuối năm nay, lượng hành khách sẽ lên đến 36 triệu.

 Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết khu vực vào sân bay Tân Sơn Nhất ách tắc do hạ tầng TP không theo kịp với lượng người tăng đột biến.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết khu vực vào sân bay Tân Sơn Nhất ách tắc do hạ tầng TP không theo kịp với lượng người tăng đột biến.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường phân tích: “Như vậy tăng như thế thì hạ tầng giải quyết triệt để ùn tắc thì không thể nào. Chỉ cố gắng nỗ lực kéo giảm thôi. Bằng cách đẩy nhanh các công trình phía ngoài. Phía trong sân bay cũng phải sắp xếp lại. Vừa rồi các công trình thực hiện vượt tiến độ. Một số công trình hiện nay đang tập trung giải phóng mặt bằng, ví dụ như Tân Bình đang tập trung ngay nút giao vòng xoay Lăng Cha Cả. Gỡ được giải phóng mặt bằng nơi đó để làn xe nơi đó không bị “thắt cổ chai” thì sẽ giải quyết được.”

Từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ hoàn tất trước mắt 8 công trình giao thông. Cũng theo ông Cường, hiện ngành giao thông đang ảnh hưởng cuộc Cách mạng 4.0, nếu không có ứng xử phù hợp kịp thời thì sẽ dẫn đến sự kiềm hãm phát triển. Dẫn chứng điều này, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay, ngoài taxi truyền thống, hiện loại hình taxi còn có Uber và Grab và có thêm loại hình mới. Không chỉ đặt xe qua hợp đồng điện tử mà Bộ Giao thông đã cho thí điểm, taxi bây giờ là kênh chung, nhưng theo khung pháp lý thì Bộ không cho phép. Đứng ở góc độ giao thông, loại hình này tốt, có thể giảm được kilomet hành trình, nhưng theo quy định của Chính phủ chưa cho phép do quy định 1 ô tô chỉ có 1 hợp đồng. Nhưng nếu áp dụng theo quy định thì 2 hợp đồng điện tử sẽ đi chung, thì dẫn đến rủi ro, phát sinh tranh chấp, tai nạn và các yếu tố khác, do đó, quản lý Nhà nước chưa theo kịp. Ngoài ra, TP.HCM có ý tưởng dùng xe hai tầng đưa đón khách du lịch như một số nước khác nhưng Bộ lại “thổi còi”, không cho phép do trong quy định chưa có điều này.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Trần Vĩnh Tuyến đề cập đến việc điều chỉnh lại cơ cấu chuyến bay.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Trần Vĩnh Tuyến đề cập đến việc điều chỉnh lại cơ cấu chuyến bay.

Về khai thác hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, trong khi chờ Long Thành, TP sẽ điều chỉnh cục bộ của sân bay Tân Sơn Nhất theo tư vấn nước ngoài. Nếu có chuyển dịch vị trí cục bộ của sân bay Tân Sơn Nhất, thì khả năng đón khách du lịch có thể tăng từ 32 lượt bay/giờ lên đến 40 lượt bay/giờ. Cơ cấu chuyến bay bình quân 150 khách/chuyến bay.

Theo ông Tuyến, so với quốc tế là rất thấp do hầu hết máy bay của chúng ta nhỏ, lượt bay nhiều nhưng lượt khách thì ít. Do đó, cần tính lại việc phân bổ cơ cấu khách. Nếu mục tiêu tập trung cho khách quốc tế, thì phải điều chỉnh lại cơ cấu chuyến bay. Hiện tỷ lệ này rất chênh lệch, khoảng 33% là chuyến bay quốc tế. Còn lại 67% là chuyến bay nội địa giá rẻ. “Nếu tính về mặt xã hội thì ổn, nhưng về cơ cấu phát triển kinh tế thì giá trị trong việc khai thác, thế mạnh sân bay phục vụ di lịch thì sẽ rất khó. Cần tính toán lại như vậy thì mới tăng được lượng khách quốc tế” – ông Tuyến nói.

Để đẩy mạnh các dự án kết nối giao thông, giải quyết được vấn đề ùn tắc ở một số điểm nóng trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là đoạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, giải pháp căn cơ là khi tuyến tàu điện ngầm Metro hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được vấn đề này.

Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu: “Tuyến đường sắt đô thị thì mục tiêu của TP là phải đảm bảo cho tuyến Metro được vận hành cho đúng tiến độ. Ý kiến Thủ tướng kết luận rồi, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP sẽ có văn bản trình Thủ tướng trên tinh thần thực hiện kết luận của Thủ tướng về các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. TP sẽ tạm ứng trước 500 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ dự án này”.

                                                                  Đông Phương