Vì sao du lịch Huế vẫn chậm phát triển?

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 18/07/2017

(TN&MT) - Huế được biết đến là thành phố văn hóa, du lịch không chỉ ở khu vực miền Trung mà còn của cả nước. Thế nhưng bao lâu nay, vấn đề du lịch của Cố đô dù rất được chú trọng nhưng vẫn không mấy khởi sắc; ngược lại rất chậm chạp, ì ạch. Nguyên nhân nằm ở đâu và cần có những biện pháp nào?...
Huế là thành phố xanh, trung tâm văn hóa- du lịch nhưng du lịch vẫn còn chưa phát triển như đúng tiềm năng
Huế là thành phố xanh, trung tâm văn hóa- du lịch nhưng du lịch vẫn còn chưa phát triển như đúng tiềm năng

Tại kỳ họp thứ 4, khóa VII (nhiệm kỳ 2016-2021) của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa diễn ra giữa tháng 7, vấn đề phát triển du lịch trên vùng đất Cố đô được các đại biểu rất quan tâm, mang ra “mổ xẻ” tại phiên chất vấn.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Các đại biểu cho rằng: “Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo song vẫn chưa thấy sự khởi sắc. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, cho biết giải pháp cụ thể trong thời gian tới để khắc phục tình trạng nói trên?”.

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trên 30%. Nhiều tỉnh, thành trong nước có tổng lượng khách lưu trú tăng cao như: Khánh Hòa tăng 25%, Quảng Bình tăng 15,3%, Đà Nẵng tăng 5,9%... Trong khi đó, lượng khách lưu trú đến Huế 6 tháng đầu năm 2017 tăng khá chậm, chỉ tăng 2,08% so cùng kỳ, bình quân thời gian lưu trú của khách giảm và chỉ còn 1,78 ngày/lượt khách.

Ông Lê Hữu Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã thừa nhận du lịch Huế trong nhiều năm qua còn chậm phát triển. Theo ông Minh, có nhiều nguyên nhân khiến du lịch Huế “mắc bệnh” như hiện tại.

Có quá nhiều tồn tại khiến khách du lịch vẫn “lơ” Huế
Có quá nhiều tồn tại khiến khách du lịch vẫn “lơ” Huế

Cụ thể, sản phẩm du lịch về đêm và các dịch vụ vui chơi giải trí trên địa bàn vẫn còn thiếu và yếu, chưa thu hút, hấp dẫn được du khách, chất lượng dịch vụ không cao với hai sản phẩm chủ lực là ca Huế trên sông Hương và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

Thiếu các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao tầm quốc gia và quốc tế diễn ra tại địa phương diễn ra đều trong quý, tháng. Một số sản phẩm mới đã hình thành như các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch đầm phá. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này còn nhỏ lẻ, dịch vụ chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa có sự kết nối thành tour tuyến; công tác quảng bá cho các sản phẩm này còn hạn chế, chưa thu hút.

“Du lịch biển từng mang lại lợi thế cho tỉnh về lượng khách tham quan và lưu trú. Tuy nhiên, sự cố môi trường biển năm 2016 vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng tâm lý khách du lịch quyết định tham gia loại hình du lịch biển tại Huế. Ngoài ra, so với các địa phương, chúng ta vẫn chưa có nhiều khu nghỉ dưỡng biển, các dịch vụ bổ sung gắn với du lịch biển mang tính hấp dẫn ngoại trừ Laguna”- ông Minh nói.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng khách du lịch đến Huế chưa mạnh cũng là do sự hạn chế của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh trong việc khai thác, kết nối khách du lịch từ các thị trường quốc tế. 

Phá Tam Giang rộng lớn, tuyệt đẹp nhưng chưa được khai thác hết mức
Phá Tam Giang rộng lớn, tuyệt đẹp nhưng chưa được khai thác hết mức

Nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp cho công tác phát triển sản phẩm du lịch còn khá hạn chế. Các doanh nghiệp du lịch Huế, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành thiếu tiềm lực để đầu tư, chỉ tập trung theo hướng khai thác và kết nối xây dựng tour có sẵn là chính. Thừa Thiên Huế chưa có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đủ mạnh để tạo ra những sản phẩm du lịch thúc đẩy sự tăng trưởng đột biến du khách đến Huế.

Cũng theo ông Minh, hạ tầng du lịch vẫn còn hạn chế nhất định, nhất là việc khai thác các đường bay quốc tế đến Huế. Lượng khách du lịch đến Huế bằng đường hàng không thấp.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch mới/tiềm năng và hạ tầng phục vụ du khách tại các điểm đang còn hạn chế và chưa có tính kết nối cao từ TP. Huế (đường đi, bãi đỗ xe, bến thuyền, hệ thống dịch vụ); hạ tầng đường giao thông ở thành phố đang bị ảnh hưởng do dự án cải thiện hệ thống cấp thoát nước...

Làm thế nào để du lịch Huế khởi sắc?

Rất nhiều du khách vẫn hay than vãn các dịch vụ du lịch tại Huế còn thiếu hấp dẫn, nghèo nàn; ít tour tuyến; không có tính liên kết cao; nạn chèo kéo khách luôn tồn tại, thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch...

Laguna Lăng Cô (Thừa Thiên Huế)- khu nghỉ dưỡng biển đẳng cấp hàng đầu khu vực Đông Nam Á
Laguna Lăng Cô (Thừa Thiên Huế)- khu nghỉ dưỡng biển đẳng cấp hàng đầu khu vực Đông Nam Á

Để du lịch Huế khởi sắc, ông Minh đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới như: Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức các sự kiện hàng tháng tại Huế thử nghiệm trong năm 2018 và tổ chức thực hiện trong các năm về sau nhằm thu hút khách du lịch đến Huế. Các sự kiện sẽ diễn ra với chủ đề phù hợp theo từng thời điểm trong năm, như lễ hội diều, lễ hội ẩm thực chay, lễ hội hoa đăng, lễ hội hoa sen, lễ hội múa lân, lễ hội bia...

Đẩy mạnh việc khai thác dịch vụ thuyền trên sông Hương cũng như hai bờ sông Hương bằng việc chuyên nghiệp hóa về điều kiện thuyền, ca Huế và các dịch vụ bổ sung kèm theo. Hình thành các khu ẩm thực kết hợp với các hoạt động nghệ thuật ở một số khu vực trên đường Lê Lợi và Trần Hưng Đạo để cùng gắn với các khu phố đi bộ, phố đêm.

Tiếp tục nâng cao chất lượng và tăng cường các sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa di sản, cụ thể tại Đại Nội và hệ thống lăng, nghiên cứu xây dựng các dịch vụ có tính tương tác cao giữa khách du lịch và điểm đến.

Ngoài việc tiếp tục khai thác thị trường truyền thống, đẩy mạnh hơn nữa thu hút nguồn khách du lịch từ các thị trường có thị phần lớn nhất hiện nay đến Huế là khách Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, cần nghiên cứu mở rộng thị trường tại Đài Loan cũng như một số địa phương của Trung Quốc để tăng lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế.

Mở cửa Đại nội Huế về đêm vẫn chưa thể làm cho du lịch Huế đi lên
Mở cửa Đại nội Huế về đêm vẫn chưa thể làm cho du lịch Huế đi lên

Vẫn chưa hài lòng, các đại biểu tiếp tục muốn làm rõ trách nhiệm của Sở Du lịch trong việc thúc đẩy ngành phát triển? Ông Lê Hữu Minh cho biết thêm sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch Huế thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, qua trang fanpage và trang web 02 thứ tiếng Anh, Việt của Sở và trên ứng dụng điện thoại thông minh nhằm định hướng phương pháp quảng bá du lịch Huế theo hướng dễ dàng tiếp cận với du khách. Ở các vùng lõm, trung tâm của TP. Huế phải thường xuyên tổ chức các sự kiện, như mở rộng phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu để thu hút khách đến Huế.

Cần đẩy mạnh các loại hình du lịch tiềm năng, như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đây là mô hình du lịch đang phát huy được hiệu quả. Sở Du lịch sẽ có sự phối hợp chỉ đạo và triển khai tốt du lịch mice. Với loại hình du lịch tâm linh, sở cũng quan tâm triển khai đẩy mạnh. Sở đã làm việc với các giáo hội để phát triển mô hình này.

Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin thêm rằng, nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong việc thắp sáng Đại Nội về đêm nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch cho Huế cũng như níu kéo du khách ở lại Huế nhiều hơn. Song Trung tâm cũng mong muốn có sự phối hợp giữa TP. Huế, Sở Du lịch, bởi chương trình Đại Nội về đêm vẫn chỉ đơn thuần do đơn vị thực hiện và còn thiếu sự phối hợp với các bên liên quan...

Có thể nói, Huế như “người đẹp” còn đang ngủ và chưa được đánh thức. Hy vọng rằng với những nổ lực của các cơ quan chức năng, du lịch Thừa Thiên Huế đã phát triển hơn trong thời gian tới.

Bài, ảnh:Thế Anh