Bảo tồn di sản dưới áp lực của phát triển kinh tế - xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 14/06/2017

(TN&MT) - Sáng 14/6 tại TP. Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với  Ủy ban Quốc gia UNESCO, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng UNHABITAT tổ chức Hội thảo quốc tế về “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản”. Đây là diễn đàn thảo luận giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu, các cơ quan Chính phủ và các bên liên quan nhằm đánh giá hiệu quả của Tuyên bố Hội An 2009 và 2003.
Hội thảo là Diễn đàn thảo luận giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu, các cơ quan Chính phủ và các bên liên quan nhằm đánh giá hiệu quả của Tuyên bố Hội An 2009 và 2003
Hội thảo là Diễn đàn thảo luận giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu, các cơ quan Chính phủ và các bên liên quan nhằm đánh giá hiệu quả của Tuyên bố Hội An 2009 và 2003

Hội An là một đại diện điển hình cho quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đang diễn ra ở hầu khắp các thành phố lịch sử của Châu Á. Các khu di sản này bao gồm các kết cấu xây dựng chính và các thành tố di sản phi vật thể có liên quan, đã trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra áp lực phát triển cho các nguồn lực cốt lõi này, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về phát triển bền vững. Việc quy hoạch và phát triển không gian xung quanh các khu vực di sản vật thể và thiên nhiên của địa phương là một thách thức rất lớn với các chính quyền. Sự phát triển du lịch với nhiều loại hình sản phẩm và dịch vụ đa dạng đã góp phần cải thiện nguồn sinh kế và thu nhập cho người dân và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương, nhưng theo đó là các khu dân cư mới được hình thành cùng với các vấn đề về vệ sinh môi trường, giao thông và an ninh. Trong khi đó, việc hình thành các vành đai bảo vệ và các không gian công cộng xung quanh di sản là điều cần thiết nhưng không dễ thực hiện trong bối cảnh các di sản nằm trong khu vực đô thị, nơi mà giá trị đất đai được gia tăng nhanh chóng và quỹ đất hạn chế. Bên cạnh đó, khu vực phát triển tiếp giáp với khu vực di sản chưa đảm bảo tính hợp nhất giữa truyền thống và hiện đại.  

Bảo vệ các thành phố di sản ở các nước đang phát triển ở Châu Á trong đó có Việt Nam không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các trợ giúp quốc tế. Cơ hội đang mở ra cho các chủ thể địa phương
Bảo vệ các thành phố di sản ở các nước đang phát triển ở Châu Á trong đó có Việt Nam không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các trợ giúp quốc tế. Cơ hội đang mở ra cho các chủ thể địa phương

Trong phát biểu khai mạc, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Các phương thức bảo tồn di sản văn hóa của Hội An phải được nhận diện trong bối cảnh đô thị với các cộng đồng đang sinh sống và phát triển. Điều này đòi hỏi sự khéo léo trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Các đô thị di sản, đặc biệt là các thành phố dọc bờ biển trong đó có Hội An của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Đây thực sự là thách thức lớn đối với cách thức bảo tồn truyền thống và đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa với tầm nhìn dài hạn mang tính chiến lược.

Ông William Logan - Giáo sư Học viện Khoa học Xã hội tại Australia cho biết: Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và vai trò ngày càng quan trọng của các đô thị trong tiến trình phát triển chung, vấn đề bảo vệ các thành phố di sản ở các nước đang phát triển ở Châu Á trong đó có Việt Nam không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các trợ giúp quốc tế. Cơ hội đang mở ra cho khối tư nhân, đặc biệt là các chủ thể địa phương, được tham gia sâu hơn vào các nỗ lực bảo vệ di sản. Do đó, câu hỏi đặt ra cho Chính phủ Việt Nam và Ban quản lý các khu di sản không chỉ là các phương thức ngăn chặn và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ quá trình phát triển mà còn hướng đến các cơ chế đảm bảo và tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân vào công cuộc bảo tồn di sản và thúc đẩy sáng tạo.

Việc bảo tồn di sản Phố cổ Hội An đang đang đứng trước sức ép lớn từ phát triển du lịch, dịch vụ
Việc bảo tồn di sản Phố cổ Hội An đang đang đứng trước sức ép lớn từ phát triển du lịch, dịch vụ

Trao đổi bên lề Hội nghị, Ông Virginia Gravalos- Chuyên gia phát triển đô thị, làm việc tại AREP Nam Á cho rằng: Đặc tính thay đổi của các lực lượng tác động đến môi trường lịch sử, cùng với sự hiểu biết ngày càng sâu sắc về bảo tồn đô thị, đòi hỏi việc bảo vệ những giá trị di sản của các khu đô thị cổ không thể dựa vào việc thực thi những quy định thông thường, mà phải xây dựng và thực hiện một chiến lược tổng thể và thiết lập các công cụ cụ thể để thực hiện. Trong khuôn khổ hội nghị này, tham luận của tôi tập trung vào việc thiết lập các quy định về quy hoạch và xây dựng các đô thị cổ, và khuyến nghị một số điều kiện và các bước xây dựng cần xem xét đến khi giải quyết các vấn đề về môi trường lịch sử, khác với những thực tiễn lập quy hoạch thông thường tại các đô thị di sản trong đó có Hội An.

Trong cuộc sống hiện đại, việc bảo tồn nguyên vẹn giá trị di sản, bảo vệ kiến trúc - kết cấu các di tích trên 100 năm tuổi được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu gỗ, đất nung, dưới sự tác động của thời tiết, thiên nhiên bão lũ, nhu cầu sinh hoạt của người dân, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, kinh doanh dịch vụ thương mại tại các di tích ảnh hưởng đến giá trị di sản là việc làm cấp thiết hiện nay của các đô thị di sản. Để giảm thiểu tối đa sự biến dạng di tích, chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư trong khu di sản phải có những giải pháp quản lý, hoạt động phù hợp để di sản được bảo vệ tốt cả về vật thể và phi vật thể, là nền tảng, cơ sở để phát triển kinh tế du lịch tại địa phương. Đây cũng chính là mục tiêu của Hội thảo quốc tế lần này tại phố cổ Hội An.

                                                                         Dương Bùi