ĐBQH Dương Minh Tuấn: Cần làm rõ vì sao chậm có quy chuẩn an toàn thực phẩm

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 05/06/2017

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Dương Minh Tuấn - Tỉnh ủy viên - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu đề nghị: tôi đề nghị báo cáo giám sát cần phân tích, làm rõ thêm nguyên nhân vì sao cơ quan chức năng quá chậm trễ trong việc đầu tư thiết bị kiểm nghiệm, xây dựng các qui chuẩn, tiêu chuẩn ATTP và hành lang pháp lý để thực hiện?

Đoàn đại biểu Quốc hội Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên họp sáng 5/6
Đoàn đại biểu Quốc hội Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên họp ngày 5/6. Ảnh: Quốc Khánh

Bày tỏ sự thống nhất với đánh giá của Đoàn giám sát Quốc hội về ATTP, báo cáo Chính phủ lý giải nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại về ATTP thời gian qua là do nhận thức của một số chính quyền, cán bộ, lãnh đạo quản lý về vai trò của ATTP chưa đầy đủ; ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng còn hạn chế… Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, nguyên nhân đó là đúng nhưng chưa rõ.

Qua trực tiếp kháo sát giám sát, ông Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ra minh chứng: Hiện nay cơ quan chức năng phổ biển đang sử dụng 2 loại thiết bị kiểm tra chất cấm trong thực phẩm, đó là thiết bị test nhanh di động và phòng kiểm nghiệm cố định. Tuy nhiên sau khi áp dụng vướng phải nhiều bất cập:

Đối với thiết bị test nhanh di động kiểm nghiệm cho kết quả ngay tại chỗ chỉ thực hiện ở một số chất đơn giãn như: hèn the, urê, formol, methanol, chất tẩy trắng, phẩm màu, độ ô khét trong dầu ăn và sau khi phát hiện ra thực phẩm có vi phạm cũng không thể xử lý được vì theo Thông tư 11/2014/TT.BYT về quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, Điều 16 qui định kết quả test nhanh chỉ mang ý nghĩa sàng lọc do vậy sau đó phải lấy mẫu về Trung tâm kiểm nghiệm cố định tiến hành xét nghiệm bằng định lượng cụ thể thì mới có cơ sở chế tài.

Đối với phòng kiểm nghiệm cố định nhằm kiểm nghiệm phát hiện các chất khó hơn mà thiết bị test nhanh di động không thể thực hiện được, như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất vàng ô, kim loại nặng, độc tố nấm, các kháng sinh cấm như flogramphênicon phải lấy mẫu đến phòng kiểm nghiệm, nhưng rất khó khăn để chế tài xử lý vì kết quả sớm nhất cũng phải mất nữa ngày, cả ngày hoặc lâu hơn nữa;

ĐBQH Dương Minh Tuấn - Tỉnh ủy viên - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Việt Hùng
ĐBQH Dương Minh Tuấn - Tỉnh ủy viên - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận ngày 5/6. Ảnh: Quốc Khánh

Ông Dương Minh Tuấn cho rằng sẽ có 2 trường hợp xảy ra, nếu không lưu giữ lô sản phẩm này trong thời gian lấy mẫu chờ kiểm nghiệm thì người bán sẽ bán hết, còn nếu tạm giữ nguyên lô hàng với số lượng lớn hoặc cả xe hàng, thì sau khi xét nghiệm xong mà kết quả không phát hiện chất cấm vượt mức qui định thì cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại doanh nghiệp, nếu lưu kho thì lưu ở đâu, đến bây giờ ở nước ta bao nhiêu tỉnh bao nhiêu huyện có kho lạnh để bảo quản khi xét nghiệm…  

“Đó là chưa kể, trong cây rau, cây cải, dư lượng chất bảo vệ thực vật có 4 gốc, tuy nhiên đến nay chỉ mới xét nghiệm được 2 gốc, do vậy rất khó kết luận trong rau cải có dư lượng chất bảo vệ thực vật hay không, hoặc như nước mắm hiện nay chỉ mới có tiêu chuẩn ngành, chưa có qui chuẩn bắt buộc, cà phê cũng chưa có qui chuẩn về hàm lượng caphein; một số phụ gia, hoá chất nhập khẩu về nhưng chưa qui định đầy đủ loại thực phẩm nào sử dụng làm lượng bao nhiêu? Thì làm sao kiểm nghiệm, xét nghiệm...” - Đại biểu Dương Minh Tuấn nói.

Đồng nghĩa với việc đến thời điểm hiện nay bó rau, bó cải hay con cá, con mực, con tôm...  đang bán ngoài chợ có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chứa chất bảo quản quá mức qui định hay kháng sinh cấm hay không thì cơ quan chức năng không thể phát hiện ngay mà phải lấy mẫu đưa về trung tâm để kiểm nghiệm, còn kết quả có xử lý được hay không phải có thời gian.

Qua giám sát, bản thân ông Dương Minh Tuấn cũng tự thắc mắc rằng không biết các thiết bị kiểm tra, kiểm nghiệm chỉ thiếu ở một vài địa phương hay ở nhiều nơi, tuy nhiên sau khi tìm hiểu, thì hầu như ở các nơi đều chưa được trang bị đầy đủ, thậm chí ở nhiều nơi, các phòng kiểm nghiệm cố định chưa được trang bị...

Ông Tuấn đưa ra con số đáng suy ngẫm: Theo Phụ lục số 7 thống kê kèm theo báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội, tính đến năm 2016, số phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm về thực phẩm thì có đến 10 tỉnh chưa có phòng kiểm nghiệm thử nghiệm và một số tỉnh có phòng kiểm nghiệm thử nghiệm nhưng không đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, vẫn theo ông Dương Minh Tuấn, qua tiếp xúc, nhiều cử tri bức xúc cho rằng thời gian qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc, gây hại sức khoẻ con người là do cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm và đề nghị làm rõ việc thiếu và không có thiết bị, thiếu qui chuẩn, thiếu cơ sở pháp lý để phát hiện, xử lý thực phẩm không an toàn là do nước ta chưa đủ trình độ để sản xuất thiết bị, hay trên thế giới chưa có thiết bị, hay có thiết bị nhưng nước ta không có kinh phí, hay mua về mà không biết sử dụng?

“Từ những lý do nêu trên, tôi đề nghị báo cáo giám sát cần phân tích, làm rõ thêm nguyên nhân vì sao cơ quan chức năng quá chậm trễ trong việc đầu tư thiết bị kiểm nghiệm, xây dựng các qui chuẩn, tiêu chuẩn ATTP và hành lang pháp lý để thực hiện? trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, cơ quan nào? hạn chế, yếu kém gì trong công tác ATTP thời gian qua, nếu có là bộ nào, ngành nào, sai sót, hạn chế, khó khăn đến đâu? Quan điểm của Đoàn giám sát về những hạn chế, tồn tại trên…” - Đại biểu Dương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Việt Hùng(lược ghi)