Hà Nội xử phạt DN ô nhiễm: Còn nhiều vướng mắc

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 15/05/2017

Chỉ mới vào hè nhưng thời tiết Hà Nội đã oi bức khó chịu, tình trạng này không phải vì thời tiết có nhiệt độ quá cao mà chủ yếu là do khói bụi, ô nhiễm môi...

 

Chỉ mới vào hè nhưng thời tiết Hà Nội đã oi bức khó chịu, tình trạng này không phải vì thời tiết có nhiệt độ quá cao mà chủ yếu là do khói bụi, ô nhiễm môi trường gây nên. Việc các doanh nghiệp (DN) của hơn 1.300 làng nghề và các nhà máy công nghiệp đang tác động mạnh mẽ đến môi trường Thành phố rất khó thay đổi vì việc xử phạt còn nhiều vướng mắc.

Chế tài và nhân lực mỏng

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay việc thực hiện quan trắc môi trường không khí tại các nhà máy mới chỉ mang tính hình thức, thực chất chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam còn thiếu, chưa có quy định về giám sát xử lý khí thải của DN trong quá trình hoạt động, chưa triển khai hệ thống cấp giấy phép khí thải…

Trong khi đó, nguồn nhân lực để kiểm soát ô nhiễm môi trường từ địa phương còn khá mỏng, theo ông Nguyễn Văn Cường , cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: Rất khó xử lý đối với các DN xả thải gây ô nhiễm môi trường do không khí biến đổi theo thời điểm rất nhanh, trong khi quy định về công tác thanh tra môi trường khi triển khai hoạt động này cần phải báo trước. Chính điều này đã "tiếp tay" cho cơ sở sản xuất có đủ thời gian để đối phó, khiến các ngành chức năng khó phát hiện vi phạm.

Trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, lực lượng thanh tra viên vừa "mỏng" vừa thiếu kinh nghiệm, kỹ năng tác nghiệp nên có nhiều trường hợp DN đưa ra những lý do "lập lờ đánh lận con đen" khiến cán bộ cũng khó xử lý theo luật.  Ông Cường nêu ví dụ: “Khi lực lượng chức năng vào kiểm tra, phát hiện xả thải không khí ra môi trường nhưng không xử lý được DN vì họ nói ống khói của nhà máy gần với Nghĩa trang Văn Điển nên không thể tách biệt đâu là khí thải của DN".

Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 156.000/m3/ngày đêm. Hầu hết các làng nghề đều bị ô nhiễm ở phạm vi khá rộng và nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân cũng như sự phát triển bền vững của chính các làng nghề.

Phổ biến vẫn là ô nhiễm tiếng ồn, chất thải rắn, nước thải, không khí. Tại một số làng nghề, bằng mắt thường rất dễ nhận thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí mà không cần thông qua quan trắc, lấy mẫu xét nghiệm.

Qua kết quả khảo sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội và Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nhiều quận, huyện vẫn có chỉ số ô nhiễm làng nghề vượt quá 30 lần cho phép. 100% làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích vượt tiêu chuẩn. Nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất tại các làng nghề đều bị ô nhiễm bởi COD, NH4, phenol; nước bề mặt ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc; hay các chỉ tiêu sinh học như Ecoli, coliform, kim loại nặng như As, Hg khá cao…

Xử phạt và tuyên truyền phải cùng mạnh mẽ

Thông qua cuộc khảo sát mới đây, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho biết, hiệu quả xử lý vi phạm môi trường ở làng nghề chưa rõ nét, đặc biệt là việc phối hợp giữa người dân với các lực lượng chuyên môn trong phát hiện và đấu tranh phòng, chống vi phạm về bảo vệ môi trường còn chưa đem lại hiệu quả.

Một nguyên nhân khác là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế; thiết bị, công nghệ sản xuất vẫn lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp. Đa phần cơ sở sản xuất, hộ gia đình còn xem nhẹ, không có kinh phí hoặc chưa coi trọng việc đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom phân loại chất thải rắn...

Điều đáng lo ngại là trong khi các đơn vị chức năng của Hà Nội chưa thực sự chú trọng việc kiểm tra, xử lý vi phạm dù cảnh báo đã tới mức nguy hiểm, thậm chí, một số địa phương thiếu trách nhiệm đối với công tác này, thì ý thức của người dân lại là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề. Nhiều hộ gia đình biết rõ mức độ nguy hiểm của việc gây ô nhiễm nhưng vẫn cố tình vi phạm và chấp nhận sống chung với ô nhiễm để có lợi ích kinh tế.

Với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, để kiểm soát, rất cần những nghiên cứu và xây dựng chính sách, giải pháp quản lý phù hợp... Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Hoài Nam: Trước mắt, các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng không khí. Đồng thời, tăng cường nguồn lực thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và huy động sự tham gia giám sát của cộng đồng trong công tác quản lý chất lượng không khí…

Về lâu dài, cần kết hợp đồng bộ các nhóm công cụ nhằm quản lý chất lượng không khí, tăng cường áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý như: Cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải công nghiệp, dịch vụ, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Công cụ kỹ thuật cũng cần được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các khu công nghiệp, xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí và thực hiện kiểm tra nguồn phát thải ở các nhà máy... Mọi thông tin đó cần công bố công khai trước công luận.

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, việc xử phạt cần nghiêm minh theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải thực hiện trách nhiệm khắc phục và phục hồi môi trường”. Ông Khải cũng cho rằng, để giải quyết tận gốc, cần chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường; đồng thời, khuyến khích các DN tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, tích cực sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo…

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thành phố đã có một lộ trình cụ thể nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Bởi chính cộng đồng làng nghề là những người trực tiếp tham gia sản xuất, cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại là những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của ô nhiễm này...

Theo Chinhphu.vn