Biến nước mặn thành nước ngọt: Ước mơ thành hiện thực

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 07/04/2017

(TN&MT) - Chỉ qua một chiếc máy nhỏ gọn, nước biển sẽ thành nước ngọt để phục vụ cho các chiến sỹ ở nhà giàn và ngư dân đánh bắt xa bờ. Đó là thành công lớn của...

 

(TN&MT) - Chỉ qua một chiếc máy nhỏ gọn, nước biển sẽ thành nước ngọt để phục vụ cho các chiến sỹ ở nhà giàn và ngư dân đánh bắt xa bờ. Đó là thành công lớn của dự án “Máy lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ tàu đánh bắt xa bờ” (nhóm giảng viên Khoa Cơ khí, trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu) và được Bộ KH-CN chọn là dự án cấp Quốc gia để cấp kinh phí thực hiện.

Nhóm giảng viên Khoa cơ khí trường Đại học BR-VT sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt
Nhóm giảng viên Khoa cơ khí trường Đại học BR-VT sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt

Các tàu đánh cá, đặc biệt là tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn do tàu nhỏ, không thể chứa đủ nhiên liệu, thực phẩm và nhất là thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Mỗi chuyến đi, trung bình các tàu cá chỉ chở kèm theo khoảng 4-6 m3 nước ngọt, dùng cho gần 20 người kéo dài khoảng một tháng. Thiếu nước ngọt, nhiều lần ngư dân phải bỏ ngư trường đi vào các đảo để tiếp nước. Việc này vừa giảm năng suất đánh bắt vừa tốn nhiên liệu. Từ thực tế đó, trong quá trình theo học thạc sĩ ở CHLB Đức trở về, anh Trần Thái Sơn (sinh năm 1986, giảng viên Khoa Cơ khí trường Đại học BR-VT) đã tìm hiểu công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt để phục vụ người dân. Năm 2013, anh Sơn trở về Việt Nam cùng 2 giảng viên trẻ cũng thuộc Khoa Cơ khí cùng trường là Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1987) và Đinh Ngọc Đức (sinh năm 1990) bắt tay vào sản xuất thử nghiệm máy lọc nước biển thành nước ngọt. Nhờ có sự hỗ trợ của trường, sau một thời gian nghiên cứu, nhóm đã sản xuất thành công nước biển được lọc thành nước ngọt có thể sử dụng để ăn uống, tắm giặt.

Anh Sơn cho biết, máy lọc nước biển thành nước ngọt có nhiều thiết bị như: màng lọc, đầu bơm, vỏ, khung... Trong đó “trái tim” của hệ thống là màng lọc, dùng để tách muối, biến nước mặn thành nước ngọt bằng công nghệ RO. Theo đó, nước biển sau khi bơm cấp vào máy sẽ được lọc bằng cụm màng lọc thô để loại bỏ chất bẩn cho ra nước biển sạch. Nước biển sạch sẽ đi qua một máy nén áp suất cao để đẩy qua màng lọc RO. Tại đây, muối và các tạp chất khác sẽ được lọc sạch để cho ra nước ngọt tinh khiết có thể uống được trực tiếp. Sản phẩm đầu ra của máy lọc nước biển này đã được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn nước uống. Với loại máy có công suất 100 lít/giờ, giá thành mỗi chiếc là 70 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian đầu, tỷ lệ hư hỏng cao, do nguồn điện trên tàu cá không ổn định. Sau đó, nhóm phát triển máy lọc nước biển thành nước ngọt mà không cần dùng đến điện mà chạy trực tiếp từ động cơ máy nổ của tàu cá. Giải pháp này vừa khắc phục được nhược điểm máy hay bị cháy mà giá thành lại rẻ hơn (50 triệu đồng/sản phẩm cho máy có công suất 100 lít/giờ). Ngay sau khi thử nghiệm cho tàu cá, sản phẩm máy lọc nước biển của trường Đại học BR-VT đã được sản xuất để cung cấp cho nhà giàn DK1 (15 cái), Cảnh sát biển (8 cái) và Hải đoàn 129 (7 cái).

Nhóm giảng viên Khoa cơ khí trường Đại học BR-VT sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt
Nhóm giảng viên Khoa cơ khí trường Đại học BR-VT sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt

Dự án máy lọc nước biển thành nước ngọt từng đạt giải 3 Cuộc thi sáng tạo KH-KT tỉnh BR-VT năm 2014-2015. Năm 2014, Bộ KH-CN phê duyệt đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH-CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thử nghiệm thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt công suất 500 lít/ ngày phục vụ tàu đánh cá xa bờ” giao trực tiếp cho trường Đại học BR-VT thực hiện từ tháng 11-2014 đến tháng 6-2017 với nguồn kinh phí được cấp là 2 tỷ đồng. Để thực hiện nhiệm vụ trên, trường Đại học BR-VT đã xây dựng Xưởng sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt tại TP. Vũng Tàu. Tại đây, nhóm sản xuất thành công máy lọc nước biển thành nước ngọt với nhiều loại công suất khác nhau: 100 lít/giờ, 300 lít/giờ và trên 500 lít/giờ.

Nối tiếp thành công của dự án, nhóm thực hiện dự án đã mở rộng nghiên cứu thêm bộ phận xử lý phèn để tạo ra máy lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt phục vụ cho cả người dân ở các tỉnh miền Tây. Hiện nay, xưởng đang sản xuất khoảng 200 sản phẩm cho tàu cá, nhà giàn, cảnh sát biển và người dân các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre…

Bài & ảnh: Yến Nhi