Người dân Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế một năm sau sự cố Formosa

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 07/04/2017

Ngày 6/4 là ngày tròn một năm xảy ra sự cố môi trường biển làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội, an ninh chính trị tại bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa...

 

Ngày 6/4 là ngày tròn một năm xảy ra sự cố môi trường biển làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội, an ninh chính trị tại bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.

Với nỗ lực của Chính phủ cũng như các cấp chính quyền, đến nay, đời sống người dân ở tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước ổn định. Người dân an tâm ra khơi bám biển và nuôi trồng thủy hải sản, phát triển kinh tế.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đến với vùng quê ven biển Hà Tĩnh vào thời gian này, đặc biệt là tại các cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà), Cửa Hội (Nghi Xuân) hay xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vào sáng sớm, chúng tôi được chứng kiến cảnh tàu thuyền tấp nập dưới bến, trên bờ, không khí hân hoan khi từng đoàn thuyền cá đầy khoang cập bến.

Sau sự cố môi trường biển, một thời gian rất dài, nhiều ngư dân không ra khơi đánh cá vì sản phẩm đánh bắt về không tiêu thụ được hoặc bán với giá rất rẻ, không đủ bù chi phí trong những chuyến ra khơi. Khi ngư trường vắng bóng, hải sản trong vùng biển sinh sôi nảy nở rất nhanh.

Ngay khi có thông báo của các cơ quan chức năng về sự an toàn của nước biển cũng như hải sản an toàn từng khu vực thì ngư dân đã ra khơi bám biển và cho những mẻ lưới bội thu.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hải, ngư dân xã Thạch Kim huyện Lộc Hà cho biết: “Trong những chuyến ra khơi gần đây chúng tôi đánh bắt được rất nhiều cá, mực. Mỗi lần cập bến đều tiêu thụ hết, không như trước đây bán không ai mua, cho không ai lấy vì nhiều người chưa dám ăn cá, mực, đồ hải sản.”

Quả vậy, thời gian gần đây nhiều người đã yên tâm sử dụng hàng hải sản do ngư dân đánh bắt về. Các nhà hàng bán hải sản, cửa hàng ăn uống, khách sạn đã lên thực đơn có hải sản cho thấy nhu cầu người tiêu dùng đã an tâm sử dụng các sản phẩm từ biển Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ đã từng bước khôi phục sau sự cố môi trường biển. Người dân đã tìm đến những địa điểm, danh lam thắng cảnh vùng biển và thưởng thức những món ăn, đặc sản.

Những điểm du lịch như Thiên Cầm, Xuân Thành, Xuân Hải đã đón khách trong và ngoài tỉnh về thưởng ngoạn. Đặc biệt các t our du lịch về khu du lịch Quỳnh Viên, Đồng Nôi đã vận hành, khai thác, đón khách về vui chơi, giải trí.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch, triển khai một số dự án lớn như: Dự án Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Vinpearl - Cửa Sót, dự án Khu vui chơi giải trí thể thao đua chó và sân Golf Xuân Thành...

Sau một năm xảy ra sự cố môi trường biển, đời sống của nhân dân nơi đây đã từng bước được ổn định, đời sống kinh tế được khôi phục bởi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các cấp ngành, đoàn thể, khẩn trương khắc phục và hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc chi trả tiền bồi thường do thiệt hại môi trường biển, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai quyết liệt, kịp thời và công khai minh bạch.

Đến nay, Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành công tác kê khai, bồi thường thiệt hại đợt 1 cho các đối tượng theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 1.091,59 tỷ đồng cho các đối tượng thiệt hại.

Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có những chính sách phù hợp giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống, đặc biệt là đối với người dân vùng ven biển.

Hà Tĩnh chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền tuyên truyền và giúp đỡ nhân dân trong chuyển đổi nghề nghiệp và sử dụng nguồn tiền hỗ trợ đền bù một cách có hiệu quả nhất.

Tỉnh đã hỗ trợ trên 6.000 tấn gạo cho hơn 19 nghìn hộ, hỗ trợ diện tích nuôi trồng bị thiệt hại, tàu thuyền, hỗ trợ hải sản không đảm bảo an toàn…; ban hành các chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế với số tiền hơn 3 tỷ đồng và hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các nhà hàng kinh doanh hải sản, kho đông lạnh…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ đóng mới và cải hoán 86 tàu cá trên 90CV cho bà con ngư dân.

Thời gian tới, Hà Tĩnh tập trung bồi thường, hỗ trợ đợt hai cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường và rà soát cụ thể những vướng mắc của việc chi trả đợt một để khắc phục.

Tất cả các sở, ngành, các cấp chính quyền đều tham gia giúp đỡ nhân dân khôi phục sản xuất thủy sản, hoạt động du lịch, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người dân vùng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường.

Trong thời gian ngắn với những khó khăn chồng chất phải đối mặt nhưng chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã từng bước vượt qua sóng gió, ổn định cuộc sống.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ban hành Quyết định số 678/QĐ-Ủy ban Nhân dân về việc tạm cấp kinh phí bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đợt 3.

Theo đó, kinh phí phân bổ đợt 3 bồi thường thiệt hại cho các huyện, thị xã trong tỉnh với tổng số tiền là 127,861 tỷ đồng để chi trả cho các đối tượng quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đối tượng này bao gồm các chủ cơ sở thu mua tạm trữ có kho lạnh, kho cấp đông tại các xã, phường, thị trấn ven biển quy định tại điểm a khoản 7 Điều 1 Quyết định số 1880/QĐ-TTg.

Các huyện Quảng Điền được phân bổ 9,472 tỷ đồng; Phú Vang 62,375 tỷ đồng và huyện Phú Lộc là 56,014 tỷ đồng. Trong khi đó, một số địa phương như Phong Điền và thị xã Hương Trà điều chỉnh giảm kinh phí do chưa trả hết số kinh phí tạm cấp trước đó.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, tổng số kinh phí bồi thường thiệt hại của các địa phương đã được phê duyệt là 680,76 tỷ đồng cho 20.018 đối tượng.

Hiện, các địa phương đã chi trả (đợt 1) 323,271 tỷ đồng/400 tỷ đồng tạm cấp cho 18.158 đối tượng, đạt 80,82%. Đợt 2, các địa phương đang tiến hành chi trả tiền bồi thường (200 tỷ đồng tạm cấp).

Qua chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường, hầu hết ngư dân sử dụng tiền đền bù đúng mục đích, đầu tư nâng cấp, mua sắm ngư lưới cụ để đánh bắt trên biển có hiệu quả, ổn định đời sống, phát triển sản xuất đúng hướng.

Để việc chi trả đúng đối tượng, các địa phương vùng bị ảnh hưởng trong tỉnh đã tiến hành áp giá định mức, tổng hợp và niêm yết công khai giá trị bồi thường cho người dân bị thiệt hại.

Hiện các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức tốt việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển cho người dân đảm bảo chính xác, không để xảy ra tiêu cực; tiếp tục rà soát, thống kê, tổng hợp các đối tượng và khối lượng thiệt hại do ảnh hưởng sự cố môi trường biển theo Quyết định 1880/QĐ-TTg và Quyết định 309/QĐ-TTg để triển khai công tác bồi thường thiệt hại chính xác và đạt kết quả cao.../.

Theo TTXVN