Chàng trai lập bảo tàng online, lưu giữ cổ vật bằng công nghệ ảo
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 05/04/2017
Bước tiến trong công tác bảo tồn
Những năm gần đây, vấn đề trùng tu di tích luôn là câu chuyện “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Bởi lẽ, nhiều di tích nổi tiếng như: chùa Trăm Gian, nhà bia Quốc học Huế, Văn Miếu Quốc Tử Giám ... sau khi trùng tu, tôn tạo phải nhận nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới độ chính xác so với nguyên mẫu.
Nguyên nhân phần nào được các nhà khoa học chỉ ra là do chúng ta thiếu dữ liệu hình ảnh để đối chiếu. Chính vì thế mà chàng trai trẻ Nguyễn Trí Quang đã quyết tâm xây dựng một thư viện online để lưu giữ hình ảnh di tích, cổ vật bằng công nghệ VR3D (công nghệ thực tế ảo).
Đình Tiền Lệ được phục dựng bằng công nghệ VR3D |
Chia sẻ với PV, Quang cho biết: “Kỹ thuật này được thực hiện thông qua việc quét mọi góc độ của một công trình cụ thể. Công trình sau khi được số hóa có thể nói là giống với bản gốc gần như 100% (với sai số không đáng kể). Hiện nay, nhiều người chưa coi trọng việc số hóa hiện vật, di tích nhưng tôi cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết. Ví dụ chứng minh là chuyện hương án 300 năm tuổi chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) bị cháy rụi năm 2015. Nếu trước đó tôi không thực hiện số hóa chiếc hương án này thì giờ đây, nó chỉ còn trong tưởng tưởng của một số người mà thôi. Nhưng nếu có bản số hóa, chúng ta có thể phục dựng lại được với độ chính xác gần như tuyệt đối”.
Bản thân Nguyễn Trí Quang đã thực hiện số hóa và đưa lên mạng hàng trăm linh vật, cổ vật Việt. Không chỉ vậy, anh còn bắt đầu thực hiện số hóa những di tích lớn như: đình Tiền Lệ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) và nhận được sự đánh giá cao của các nhà nghiên cứu, bảo tồn mỹ thuật.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng, việc số hóa linh vật, di tích … là cách bảo tồn di sản tối ưu trước những biến thiên thăng trầm của lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh trùng tu còn nhiều sai sót hiện nay. Hơn nữa, việc đưa những hiện vật, di tích này lên mạng sẽ giúp ích rất nhiều cho những người làm công tác nghiên cứu văn hóa.
Ấy nhưng để đạt được những thành quả như hiện nay, Nguyễn Trí Quang không những phải tự bỏ công sức, tiền bạc mà bản thân anh phải mất 4 năm trời tự mày mò, nghiên cứu những kĩ thuật mà thế giới cũng chỉ mới đang bắt đầu phát triển. Hiện tại, Quang được xem là người đầu tiên tại Việt Nam nắm vững kĩ thuật làm tương tác 3D, tức là có thể đưa nó lên trang web để mọi người có thể xem hiện vật, di tích trong môi trường 3 chiều thực sự).
Một linh vật được lưu giữ tại bảo tàng VR3D của Nguyễn Trí Quang |
Bỏ học để theo đuổi đam mê
Với những thành tựu đã đạt được như hiện nay, không mấy người biết rằng, Nguyễn Trí Quang đã bỏ học từ năm lớp 9 chỉ để tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ VR3D này. Anh tâm sự: “Thời điểm tôi quyết định bỏ học, gia đình đã phản đối. Cô giáo chủ nhiệm lớp cũng ra sức can ngăn và khuyên tôi nên cố gắng học hết cấp 3 để sau này có thể xin được việc làm. Nhưng sau một thời gian thuyết phục cũng như phân tích tiềm năng của công nghệ này, gia đình tôi cũng đã chấp nhận. Họ không chỉ giúp đỡ cho tôi về mặt vật chất mà còn trực tiếp giúp tôi thực hiện các dự án”.
Nói về tính mới mẻ của công nghệ VR3D tại Việt Nam, Quang cho hay: “Ở Việt Nam trước đây, người ta đã áp dụng việc quét di tích bằng công nghệ 3D. Tuy nhiên sản phẩm của họ chỉ có thể hiển thị đám mây (tức là những điểm chấm chấm mờ chứ không chân thực như công nghệ của tôi) hoặc chỉ hiển thị được một phần nhỏ của di tích. Đặc biệt hơn là chưa một sản phẩm nào có thể xem được online”.
Theo Quang, chưa nơi nào ở Việt Nam dạy kĩ thuật làm VR3D một cách bài bản cả. Tất cả những người đam mê công nghệ này đều phải tự học, tự nghiên cứu và thao tác thực tế. Trong đó phần khó nhất chính là kĩ thuật làm tương tác 3D (tức là có thể đưa nó lên trang web để mọi người có thể xem hiện vật, di tích trong môi trường 3 chiều thực sự).
Nguyễn Trí Quang trong lần đi số hóa đình Tiền Lệ |
Anh phân tích: “Công nghệ này có hai khâu chính. Thứ nhất là quét 3D. Muốn làm được việc này thì chúng ta phải có máy quét 3D chuyên dụng và phải thực hiện quét mọi góc độ của hiện vật, di tích. Sau khi máy thu thập dữ liệu xong, một file 3D được tạo thành. Ưu điểm của kỹ thuật này là chính xác gần như tuyệt đối về hình khối, màu sắc so với hiện vật, di tích gốc.
Khâu thứ 2 là tương tác 3D. Đây là khâu đòi hỏi công nghệ phức tạp bởi nếu xem bản gốc thì chỉ có phần mềm và máy tính chuyên dụng mới thực hiện được. Vì thế tôi phải xử lý để hiện vật, di tích đó chuyển sang nền tảng xem 3D online. Người dùng được toàn quyền tương tác, xoay lật mọi vật được hiển thị trong môi trường 3 chiều thực sự để quan sát ngay trong trình duyệt mà không cần cài đặt thêm phần mềm nào”.
Như vậy, nếu những di tích, sản phẩm văn hóa của chúng ta đều được số hóa thì các nhà nghiên cứu sẽ có thêm tư liệu để đối chiếu khi thực hiện việc trùng tu di tích. Nhiều người tin rằng, kỹ thuật này sẽ có những đóng góp quan trọng để hạn chế tình trạng phục chế sai các di tích văn hóa như đã diễn ra thời gian qua.
Phạm Thiệu