Siết chặt quản lý, kinh doanh chống ngộ độc rượu methanol

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 23/03/2017

(TN&MT) – Tại Tọa đàm "Ngộ độc rượu Methanol, thực trạng và giải pháp" Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam tổ chức sáng 23/3,...

(TN&MT) – Sáng 23/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Ngộ độc rượu Methanol, thực trạng và giải pháp”. Các nhà quản lý; chuyên gia về y tế, an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu đã thảo luận và đề xuất giải pháp nhằm ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ngộ độc methanol.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm
PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm "Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và giải pháp" sáng 22/3

Báo động tình trạng ngộ độc rượu

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu có chứa methanol có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm còn nhiều ca phải nhập viện, thậm chí tử vong vì ngộ độc rượu. Nhiều trường hợp là do uống rượu liên tục trong một thời gian ngắn; nhiều trường hợp đáng tiếc lại do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, các nạn nhân phần lớn lại là người nghèo, sinh viên, người trẻ tuổi chưa đủ nhận thức, ham sản phẩm rẻ.

Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay đã có 15 người tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại bệnh viện do ngộ độc rượu, trong đó nhiều vụ ngộ độc tập thể như vụ xảy ra ở Phong Thổ (Lai Châu); vụ các sinh viên ở quận Cầu giấy (Hà Nội)…Nguyên nhân của những vụ ngộ độc này đã được các cơ quan chuyên môn xác định là do các nạn nhân sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp lượng methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn lần, dẫn đến tử vong.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) giới thiệu các quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm và sản xuất kinh doanh rượu tại Tọa đàm sáng 23/3
Tiến sĩ Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) giới thiệu các quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm và sản xuất kinh doanh rượu tại Tọa đàm sáng 23/3

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt, việc điều trị đối với những ca ngộ độc rượu có chứa methanol rất tốn kém về thời gian, tiền bạc và còn để lại những di chứng lâu dài như giảm thị lực, ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh của người bị ngộ độc. Nhiều gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi mất đi những lao động chính và phải chi phí tốn kém để điều trị, phục hồi sức khỏe cho người bị ngộ độc.

Để kịp thời ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ngô độc rượu, ngày 10/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Trên cơ sở đó, ngày 14/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất một số giải pháp ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ngộ độc rượu methanol
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất một số giải pháp ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ngộ độc rượu methanol

Siết chặt quản lý, kinh doanh rượu

Tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong việc thực thi hiệu quả các văn bản pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước phải ra quân xử lý mạnh mẽ đối với các cơ sở vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh rượu.

“Cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, địa phương trong việc sử dụng các sản phẩm rượu; tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt về quản lý sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm về rượu để mang lại cuộc sống an lành cho người dân”, TS.Nguyễn Phú Cường nói.

Đại diện Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) phát biểu ý kiến về việc tăng chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu
Đại diện Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) phát biểu ý kiến về việc tăng chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu

Về vấn đề này, đại diện Công ty rượu bia NGK Aroma – đơn vị tiên phong trong ngành rượu Việt Nam đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cùng vào cuộc chấn chỉnh lại việc quản lý ngành cồn rượu, xiết chặt việc thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh rượu, tăng chế tài xử phạt với các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về chất lượng. Và quan trọng nhất, việc quản lý nghiêm ngặt này phải được duy trì trong một thời gian dài.

Cũng tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội lý giải nguyên nhân khiến rượu có chứa methanol là do dùng nguyên liệu có nhiều tạp chất hoặc sản xuất rượu theo phương pháp lên men thủ công. Đặc biệt, việc dùng cồn công nghệp có lượng methanol cao để pha chế, loại rượu này rất rẻ tiền nhưng mức độ độc rất cao và thường gây chết người; hoặc dùng cồn methanol để pha rượu, loại cồn này cực kỳ nguy hiểm và khả năng làm chết người cực cao.

Quang cảnh buổi Tọa đàm sáng 22/3
Quang cảnh buổi Tọa đàm sáng 22/3

Do vậy, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh để chống ngộ độc methanol các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu; có chế tài xử phạt thật nặng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc; hướng dẫn cho người dân về quy trình công nghệ tốt nhất và phù hợp để sản xuất rượu; chủ động sản xuất thiết bị dụng cụ dùng nấu rượu để có thể giảm thiểu methanol xuống dưới mức quy định; quan tâm tới vấn đề ngộ độc trường diễn methanol; các cơ quan đoàn thể nên vận động người dân kiềm chế uống rượu.

Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và uống rượu khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ; tự kiềm chế lượng rượu uống trong thời gian nhất định và giảm dần mức độ uống rượu.

Bài & ảnh: Tuyết Chinh