Người Mông xuống chợ...

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/01/2017

(TN&MT) - Khi con gà rừng gái te te nơi đầu bàn, những ngôi nhà dài bừng lên ánh lửa bập bùng, chảo mèn mén được bắc lên... ấm nước được đặt cạnh, người đàn bà Mông lại sửa soạn váy áo cùng chồng xuống chợ. Tiếng ngựa bồn chồn giậm chân hí vang. Tiếng xe động cơ ròn rã. Tiếng nói tiếng cười ấm lên trong từng bản nhỏ...

Ở vùng cao, chợ phiên cuối năm đông như hội. Váy áo nhuộm đỏ ối cả một góc trời. Những người đàn bà Mông họ chọn những bộ đồ sặc sỡ, đeo trang sức nhiều tầng bước đi kêu “xẻng xẻng”, nghe nhạc thật to, vang mấy quả đồi. Họ vui vẻ nói cười, quên đi những tháng ngày lam lũ nhọc nhằn trên nương rãy. Đôi khi họ xuống chợ cốt để gặp bạn cho vui, không vội mua, không vội bán; chân tình mời nhau bát phở, que kem... hào sảng bên nồi thắng cố, uống rượu mềm môi.

Họ mang bán những sản vật từ rừng, nông sản của nhà... Có khi chỉ là chai mật ong rừng già hạn, vài chùm mắc khén làm gia vị cho ngày tết... bọc ớt khô, chút nấm hương, măng khô, mọc nhĩ, lưỡi cuốc, lưỡi cày... để chuẩn bị cho mùa gieo hạt tháng giêng, hai.

Cũng có khi là đôi lợn “cắp nách” dợ buộc ngang bụng, một vài con gà trống, dăm thước sợi lanh... Sự trao đổi, mua bán diễn ra bình thản... Họ không lo chợ sớm hay chiều, cũng không lo đắt hàng hay ế ẩm. Đúng giá là bán, không ê, a mặc cả... Nhất quán, được thì mua, khách không mua cũng chẳng sao. Họ kiệm lời chào hàng, ai thích mua thì tự tìm đến; giữa người mua và kẻ bán tuyệt nhiên không nói nặng lời . Hàng hóa của họ cũng mộc mạc như con người họ, không tô vẽ, không làm hàng, không trau chuốt... Người Mông bán hàng là bản cả bản sắc riêng của họ; khảng khái mà vô tư.

Trời càng về chiều chợ lại thêm đông. Cũng có người xuống từ chiều hôm trước, ngủ lại quán trọ để sáng hôm sau còn kịp đi chơi chợ. Với họ, những buổi họp chợ phiên là những buổi giao lưu vui vẻ... không nặng nề việc còn nhiều tiền hay ít, không áp lực khi xuống chợ hết tiền.

Chỉ khi ông mặt trời “đạp xe” qua đỉnh núi. Lúc này họ mới nổ máy, cưỡi ngựa đưa nhau về bản. Họ cũng không vội vàng sợ khuya hay tối; chân cứ đi đường sẽ dẫn đến nhà. Trong lu cở của người đàn bà Mông bao giờ cũng có chút muối, chai dầu thắp sáng đêm đông, vài tấm vải hoa, chỉ màu, gương, lược... và không quên vài nắm bỏng ngô trộn đường mang về làm quà cho con trẻ.

Sau xe người đàn ông Mông là máy khâu, đầu chảo, lưỡi cuốc, lưỡi cày... Dù đường về bản gập ghềnh xa xôi, nhưng dường như họ không biết mệt. Tất thảy, trong đáy mắt họ đều bừng lên những nét vui tươi.

Trần Hương