Hà Nội: Độc đáo chương trình "Tết Việt" tại Phố cổ

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/01/2017

(TN&MT) - Chiều ngày 19/1, tại số 42 Hàng Bạc, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức khai mạc chương trình “Tết Việt” với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc hướng về cội nguồn dân tộc.
Nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc được tái hiện lại trong các ngôi nhà tại Phố cổ
Nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc được tái hiện lại trong các ngôi nhà tại Phố cổ

Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết: Chương trình sẽ diễn ra trong vòng 23 ngày từ 19/1/2017 - 12/2/2017. Tất cả nội dung đều nhằm tái hiện không gian và những gì được coi là tinh túy nhất, đặc sắc nhất trong cội nguồn văn hóa Tết xưa của người Việt cổ. Bên cạnh đó các hoạt động văn hóa, nghệ thuật này còn nhằm hướng tới sự bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa cổ xưa truyền thống. Đặc biệt việc tái hiện không khí Tết xưa ngay giữa lòng Phố cổ còn là để quảng bá, giới thiệu về những giá trị văn hóa tiêu biểu trong nét sinh hoạt Tết truyền thống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ tới với đông đảo du khách, nhất là những khách du lịch quốc tế muốn tìm hiểu và khám phá về Tết truyền thống của người Việt xưa.

Để phục vụ chương trình, các sản phẩm thủ công truyền thống cùng với các nghệ nhân từ khắp các vùng đồng bằng Bắc Bộ đã được Ban tổ chức mời về đây để tham dự và giới thiệu các hoạt động này đến du khách. Trong đó có các tục như: trồng cây Nêu; gói bánh trưng xanh; nghệ thuật tranh dân gian ngày Tết; hoa, cây cảnh phục vụ cho dịp Tết này...

Tục gói bánh trưng xanh nét đẹp văn hóa ngày Tết của ngời Việt
Tục gói bánh trưng xanh nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt

Cụ thể với dòng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng sẽ được trưng bày, giới thiệu tới khách tham quan tại đình Kim Ngân, số 42 Hàng Bạc. Tại đây du khách sẽ được tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của 3 dòng tranh dân gian nức tiếng khắp vùng đồng bằng Bắc bộ là Hàng Trống, Kim Hoàng và Đông Hồ. Trong đó, đặc biệt là dòng tranh Kim Hoàng lần đầu tiên sau nhiều năm vắng bóng, sẽ được giới thiệu trở lại trước đông đảo công chúng, với những mẫu tranh truyền thống và cả một số mẫu tranh sáng tác mới theo phong cách tranh Kim Hoàng. Nổi bật nhất là bức Thần kê (thường gọi là Gà trống). Bức Thần kê được làm theo khổ lớn 2,2x0,6 m.

Ngoài ra, tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ, số 28 Hàng Buồm, Hà Nội sẽ có các hoạt động thú vị liên quan đến trình diễn thư pháp và vẽ tranh Tết dân gian, vẽ tranh hoa văn bằng chất liệu hiện đại và trưng bày ứng dụng sản phẩm mỹ thuật truyền thống. Còn tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây, là nơi để tái hiện lại không gian đón Tết Nguyên Đán của những gia đình Hà Nội cổ đi liền với những bức ảnh Tết xưa. Riêng với Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ số 50 phố Đào Duy Từ, Ban tổ chức chương trình đã sắp đặt một không gian đón Tết xưa trong ngôi nhà truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Thông qua, việc tìm hiểu, khám phá du khách sẽ có những so sánh thú vị về nét chung và riêng giữ cách đón Tết của người Hà Nội với người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Vẻ đẹp Không gian Tết xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ
Vẻ đẹp Không gian Tết xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ

PGS. TS Đỗ Thị Hảo - Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết: Người dân vùng đồng bắng Bắc Bộ từ xưa cho rằng Tết mà không có câu đối và tranh thì gian nhà như thiếu sự hòa hợp của màu sắc, tức là thiếu sự thoải mái của tinh thần, thì cho dù cỗ bàn có sang đến đâu cũng chưa đủ không khí Tết. Người xưa treo câu đối đỏ và những bức tranh dân gian mộc mạc, thể hiện ước mơ về một cuộc sống thái bình, sung túc… Vì vậy, người Việt đón Tết không chỉ để vui chơi mà còn là cách thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ cha ông, đặc biệt là nhằm để lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ nghìn xưa để lại.

Huy An